Album ảnh

Nước Việt, bao nhiêu năm Bắc thuộc?

Tất nhiên mọi người đều có thể trả lời ngay mà không cần suy nghĩ, rằng nước Việt đã trải qua hơn 1000 năm bắc thuộc, tính từ khi vua An Dương Vương mất nước đến khi vua Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại nền độc lập lâu dài cho nước Việt. Nhưng nếu cần suy nghĩ thì câu trả lời sẽ là bao nhiêu năm?

Câu trả lời trước hết phụ thuộc vào việc coi ai là bắc?

Theo những cách hiểu thông thường thì bắc thuộc cũng đồng nghĩa với Trung quốc thuộc, và đó cũng là một trong những lý do biện hộ cho tâm lý ghét tàu đang rất phổ biến hiện nay. Nhưng nếu tách bạch ra thì có thể sẽ có một cách nhìn khác, bởi một lẽ đơn giản là mãi sau này, cách đây mấy trăm năm mới có Trung quốc với hình hài như bây giờ. Khó có thể nói chung chung rằng TQ đô hộ VN, cũng như không thể nói VN đã từng xâm lược các nước khác vì ngày xưa nước Chăm pa đã làm. Còn nếu tính thời kỳ bắc thuộc là từ khi Triệu Đà cướp nước Âu lạc từ tay vua An Dương Vương thì mọi người phải khẳng định rằng lãnh thổ của Triệu Đà khi ấy và tất cả những triều đại khác về sau này từng cử quan lại sang VN để cai trị, đều phải nằm hoàn toàn bên ngoài địa giới nước Việt ngày nay. Thêm nữa, phải khẳng định rằng từ trước đó, hay ít nhất là từ khi đó nước Việt đã thực sự hình thành như một quốc gia, với một cơ cấu xã hội đủ phát triển, chứ không phải là một đất nước huyền thoại con của rồng cháu của tiên hay vẫn còn có các vị thần như thần Kim Quy phù trợ cho hết việc này đến việc khác. Với ý nghĩa này thì có thể thời kỳ bắc thuộc không tới 1000 năm.

Câu thứ hai khó trả lời hơn, đó là dựa trên tiêu chí nào để gọi là bắc thuộc?

Sử sách không nói rõ trong suốt thời kỳ được gọi bắc thuộc ấy VN bị cai trị bởi các quan lại từ phương bắc như thế nào. Nhưng nhìn vào cách cai trị theo kiểu phân tán quyền lực cho các quan lại địa phương của chính quyền trung ương, đã được ghi lại trong sử và các loại truyện của TQ thời kỳ đó, cùng với sự chênh lệch rất rõ ràng về cách tổ chức, quản lý xã hội, trình độ phát triển về kinh tế, văn hóa, giao thương của nước Việt so với các vùng khác thuộc Trung nguyên trong cùng những thời kỳ ấy thì có thể đoán rằng nước Việt cổ không được các triều đình phương bắc để ý tới nhiều. Việc tồn tại một khoảng cách phát triển lớn như vậy, trong một thời gian dài như vậy dễ khiến cho người ta nghi ngờ tính xác thực của lời kết tội rằng bọn xâm lược phương bắc đã từng ra sức đồng hóa dân ta hòng biến nước Việt thành một phần của chúng, và có thể dẫn tới một kết luận rằng sở dĩ có một ngàn năm bắc thuộc còn là do chính người Việt đã không có ý định nghiêm túc cũng như không có sự cố gắng đủ để thoát ra khỏi tình trạng ấy. Hay có thể nói một cách khác, người dân Việt khi đó không cảm thấy sự cai trị lỏng lẻo của các triều đình phương bắc thông qua những viên quan đại diện của nó là một điều gì đáng để thấy phiền toái, hay mang những ý nghĩa lớn lao như bây giờ người ta gán cho. Lý do dẫn đến giả thiết này là việc trong thời kỳ bắc thuộc ấy lâu lâu lại có một cuộc khởi nghĩa nhỏ, giành thắng lợi dễ dàng, tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn rồi lại thất bại cũng dễ dàng mỗi khi các triều đình phương bắc đưa một đội quân nhỏ sang đánh dẹp. Nó chứng tỏ các triều đình phương bắc không quan tâm nhiều đến việc phải thường xuyên bảo vệ bộ máy cai trị của chúng, và mặt khác chứng tỏ những người khởi nghĩa đã không tạo ra được sự khác biệt nào cho dân chúng so với bọn đô hộ, do đó không nhận được nhiều sự ủng hộ của nhân dân đủ để giữ được thành quả cuộc khởi nghĩa của mình.

Theo cách nhìn này, nước Việt cổ thời kỳ bắc thuộc có vẻ như không phải là một phần, hoặc bị cố gắng biến thành một phần của các nước phương bắc đã từng đô hộ, mà giống như một con thuyền buông trôi không có ai lái và chỉ bị móc vào con thuyền phương bắc bằng một sợ dây mỏng manh, có thể giật tung ra bất cứ lúc nào để đi theo con đường riêng của mình, nếu có một chút cố gắng. Bắc thuộc trong thời kỳ này vừa mang nghĩa áp đặt sự đô hộ với các mức độ khác nhau theo từng thời kỳ của các triều đại phương bắc, nhưng cũng đồng thời có cả sự chấp nhận, buông xuôi của chính người Việt.

Tiếp theo, nhiều người cho rằng Ngô Quyền đã giành được độc lập, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập, chấm dứt thời kỳ bắc thuộc hơn 1000 năm. Điều này có thể đúng, nếu nhìn vào thực tế là từ đó trở về sau, những người đứng đầu nhà nước Việt cổ hoặc là người Việt, hoặc là người gốc tàu nhưng đã sang sống ở trên đất Việt khá lâu, như triều đại nhà Trần – trừ một khoảng thời gian ngắn nhà Minh sang xâm lược và trực tiếp cai trị với lý do vì nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần.

Nhưng sự khác biệt của thời kỳ này với thời kỳ bắc thuộc dường như chỉ có thế.

Nhìn vào cuộc sống của dân chúng, vào các chính sách đối nội, đối ngoại và sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội nói chung thì sự thay đổi do các triều đại người Việt tạo ra quá nhỏ so với trước kia, khiến người ta dễ có cảm tưởng nền độc lập này rất giống với chính sách “dùng người Việt trị người Việt” được bọn thực dân áp dụng ở VN sau này, chính sách đã từng bị các lít đờ quê ta lên án. Được mô tả là đã áp dụng một chính sách ngoại giao mềm mỏng nhưng vẫn giữ được tự chủ, hầu như mọi ông vua Việt xưa mỗi khi lên ngôi đều sai sứ sang phương bắc để xin sắc phong như một thủ tục chuẩn y để có chính danh, và sau đó là thường xuyên tiến hành triều cống các sản vật sang phương bắc đầy đủ, chu đáo đúng như một quốc gia phụ thuộc. Duy nhất dường như chỉ có nhà Trần không theo thông lệ này, đơn giản là vì khi đó nhà Tống ở phương bắc đã bị quân Mông cổ đánh tan, rất nhiều quân tướng nhà Tống đã phải chạy sang đất Việt tị nạn, còn nhà Nguyên khi đó ở quá xa, sự chú ý của họ là châu Âu hay ít ra là bỏ qua nước Việt mà hướng tới tận đất Chiêm thành. Nước Việt bé nhỏ khi đó không có gì đáng để họ nhìn tới.

Sự phụ thuộc không chỉ mang tính chất lễ nghi hay thủ tục như vậy, mà nó còn ăn sâu vào trong đầu đám quân vương nước Việt với tâm thức coi phương bắc như là một đấng bề trên, hay như là người bảo trợ cho mình. Có thể thấy rõ điều này qua việc mỗi khi cần gây thanh thế thì những người mưu phản triều đình hoặc những ông vua thất thế lại chạy sang phương bắc để xin giúp đỡ – thực chất là nhờ các triều đình phương bắc dùng uy thế của mình tác động hoặc trực tiếp đưa quân sang đất nước quê hương mình để can thiệp, một hành động mà người đời sau thường gọi là cõng rắn cắn gà nhà. Dẫn chứng cho những người này không phải chỉ có trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống, mà còn rất nhiều người nữa trong danh sách này, trải dài trong suốt hơn 1000 năm sau thời kỳ bắc thuộc và cho tới tận gần đây vẫn không phải là đã hết.

Theo cách nhìn này, thì thời gian bắc thuộc không chỉ có 1000 năm mà còn gấp đôi như thế.

Ngày nay sự phụ thuộc vào phương bắc không chỉ là sự ràng buộc tế nhị, nhạy cảm bởi ý thức hệ, như vẫn được các lít đờ công khai nhấn mạnh. Nó còn mở rộng sang lĩnh vực kinh tế với mối quan hệ làm ăn bất bình đẳng rất rõ ràng mà TQ đang là người làm chủ cuộc chơi. Sự phụ thuộc nặng nề về kinh tế tất nhiên sẽ mở đường cho sự phụ thuộc toàn diện trên mọi lĩnh vực khác, chắc chắn sẽ còn sâu sắc hơn những gì đã từng xảy ra trong thời kỳ gọi là bắc thuộc được cho là đã kết thúc từ hơn 1000 năm trước.

Nhưng vấn đề đáng nói không phải là con số 1000, 2000 hay bao nhiêu năm bắc thuộc. Vấn đề là người dân quê ta hiện nay nhìn nhận vấn đề bắc thuộc như thế nào, và có muốn thoát ra hay không – mặc dù quê ta hiện nay có rất nhiều người mang tâm lý bài tàu đến mức cực đoan (dẫu rằng rất nhiều trong số đó có vẻ như chỉ là theo trào lưu hay là một cách thể hiện mình).

Và cuối cùng, nếu người dân quê ta thực sự muốn thoát tàu thì phải làm những gì?

Tháng 5/2015.

2 responses to “Nước Việt, bao nhiêu năm Bắc thuộc?

  1. Bác Cua lúc nào cũng nhẹ nhàng mà sâu lắng. Thơif buổi loạn lạc bác cố giũ gìn ngọc thể đặng chăm lên lôc aka blog phun châu nhả ngọc cho bọn con bò chúng em được thông não.
    Thank you!

  2. Thanh kiu đồng chí 🙂

Bình luận về bài viết này