Tag Archives: hiên pháp

Album ảnh

Nghĩ về điều 4 Hiến pháp.

Trước tiên cần phải nói rõ ngay rằng điều 4 HP được đề cập ở đây không phải là điều 4 trong bản Hiến pháp đầu tiên của quê ta, được ban hành năm 1946, trong đó ghi rằng: ” … Tiếp tục đọc

Album ảnh

Xung quanh điều 4 Hiến pháp (repost – w/editing)

Lâu nay cụm từ “điều 4 Hiến pháp” hay được nhắc tới với nhiều ý kiến trái ngược. Các thế lực thù địch, vốn thường hay điên cuồng chống phá cách mạng VN thì kêu gào đòi bỏ điều 4 … Tiếp tục đọc

Chuyện thời sự

Chuyện luật sư Cù Huy Hà Vũ bị bắt từ mấy hôm nay đã trở nên hot trong thế giới mạng. Ngoài các báo chính thống gần như chỉ đăng tin do bên công an cung cấp, thì các báo mạng, các diễn đàn và blog lâu nay vẫn quan tâm đến thời sự và chính trị hầu như đều lên tiếng, với nhiều sắc độ cảm xúc khác nhau.

Tôi không có ý định tổng hợp những gì người ta đã viết đầy trên mạng, nhưng để dễ dàng cho việc nói lên suy nghĩ riêng của mình, tôi muốn tóm tắt lại thành mấy nét chính.

Thứ nhất, tất cả đều đồng thanh gọi toàn bộ câu chuyện khám xét, tạm giữ, tạm giam, khám nhà v.v… là những trò này trò nọ với những lời lẽ hết sức nặng nề.

Thứ hai, không một ai tin vào những điều đã được cơ quan an ninh đưa ra và các báo chí chính thống đăng tải dùng làm căn cứ cho việc bắt giữ này, với lý do những gì công an tìm được cho đến bây giờ đều đã được công khai đăng trên mạng, một số cả trên báo mạng chính thống, một số khác đã được gửi tới các cơ quan chức năng.

Và từ hai điều trên là những bình luận, suy diễn, đồn đoán xung quanh câu chuyện bắt luật sư CHHV và về rất nhiều chuyện khác. Một số bài viết đã nhân sự kiện này, sau khi đã bình luận và suy đoán chuyện này nọ, đã yêu cầu hay đòi hỏi phải thay đổi cái này hay từ bỏ cái kia, thậm chí nhiều bài còn đi xa hơn nữa.

Nhưng theo ý nghĩ của tôi, một người dân bình thường, thì chuyện chẳng có gì đáng ầm ĩ đến thế.

Thứ nhất, có thể nói những người chỉ trích việc bắt luật sư CHHV là ít hiểu biết về cuộc sống, cả trong sách vở lẫn đời thực. Nếu chịu khó đọc những truyện ngắn, các phóng sự viết về đề tài an ninh của các nhà văn trong ngành an ninh, ta sẽ thấy rằng để bắt được tội phạm cùng tang vật nhiều khi rất khó khăn và nguy hiểm, thêm vào đó, việc bắt giữ phải hạn chế hết mức các ảnh hưởng tới những người xung quanh. Vì thế nên mới có khái niệm “biện pháp nghiệp vụ” hay “động tác nghiệp vụ”, chẳng hạn dàn xếp một vụ gây gổ hay quẹt xe với đối tượng để đánh lạc hướng đối tượng và có lý do tạm giứ đối tượng một cách kín đáo, an toàn. Còn trong thực tế, để bắt quả tang những đối tượng ranh ma xảo quyệt như bọn buôn ma tuý chẳng hạn, thì đôi khi việc kín đáo nhét vào túi chúng vài tép hêrôin hoặc bí mật đánh rơi vài gói nhỏ lúc đang giằng co với đối tượng để về sau làm tang vật là những việc chẳng đặng đừng. Nhìn ra thế giới, qua các phim ảnh về đề tài chống tội phạm thì cảnh sát Pháp, Mỹ đôi khi cũng hành động như vậy.

Nói như vậy để thấy rằng mỗi ngành nghề đều có những nghiệp vụ riêng, và ngành an ninh cũng vậy. Sử dụng biện pháp nghiệp vụ nào là việc của họ, sử dụng hợp lý hay không, hay có bị ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp không, nếu không phải là chuyên gia trong ngành mà vẫn lên tiếng phê phán, thậm chí còn đòi dạy họ phải thế nay, phải thế khác là không thỏa đáng.

Tiếp đến là chuyện nhiều người cho rằng bắt luật sư CHHV là sai. Nói như vậy chẳng qua chỉ là nói cho sướng mồm. Bởi nếu có một cái sai, cái vô lý rõ như vậy, ai cũng thấy thì không có lý gì những người có trách nhiệm lại không thấy. Chỉ có ngược lại, nhiều cái chỉ có những người có trách nhiệm biết mà mọi người không biết, nhưng vì những lý do nào đó, như lý do bí mật nghiệp vụ chính trị chẳng hạn, mà không thể nói thẳng ra được. Thành ra số đông mọi người bây giờ đang ở trong tình trạng không biết những cái sâu xa, chỉ nhìn và biết được những cái bên ngoài rồi nói lung tung, suy diễn tùy tiện. Theo tôi, khi không biết được mọi chuyện một cách đầy đủ và thấu đáo thì không nên bình loạn, nhất là khi không có một tí nghiệp vụ chính trị và trình độ chính trị gì (như tôi chẳng hạn). Cũng nhân nói về chính trị, xin trích hai đoạn mở đầu Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 để mọi người làm quen dần với các văn bản pháp luật.

Trích lời nói đầu Hiến pháp 1980:

“Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm để dựng nước và giữ nước. Cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ vì độc lập, tự do đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đi con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân ta đã lần lượt chiến thắng bọn đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, một thành viên của Cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới.

Năm 1945, sau khi quân đội Liên Xô đánh thắng chủ nghĩa phát xít, nhân dân ta đã làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu á, ra đời.

(…….)

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước, thực hiện thống nhất Tổ quốc. Tháng 7 năm 1976, nước ta lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

………….”

Trích lời nói đầu Hiến pháp 1992:

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tiếp đó, suốt mấy chục năm, nhân dân các dân tộc nước ta đã liên tục chiến đấu, với sự giúp đỡ quý báu của bè bạn trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân và đế quốc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ngày 2 tháng 7 năm 1976 Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế.

Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980.

Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.

……..”

(Nguồn: Cổng thông tin chính phủ, http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=578,1&_dad=portal&_schema=PORTAL&doctype=1)

Việc bàn tán của mọi người quanh chuyện LS CHHV, hay chuyện blogger Điếu cày bị tù vì trốn thuế trong khi nhiều người khác trốn thuế nhiều hơn thì không sao, hay chuyện v.v và v.v… tất nhiên là quyền của mọi người, nhưng theo suy nghĩ của tôi, cái đáng bàn hơn là cố làm sao đừng phạm vào những tội đã quy định trong các điều luật mà nhiều luật sư học hành ở nước ngoài, trình độ và hiểu biết về pháp luật hơn hẳn vẫn rất hay bị và đang bị ghép vào, đó là điều 79 và điều 88 trong Bộ luật hình sự.

Xin coppy hai điều trên ra đây để mọi người cùng đọc:

Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

  1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
  2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

  1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.   Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

(Nguồn: http://vi.wikisource.org/wiki/B%E1%BB%99_lu%E1%BA%ADt_H%C3%ACnh_s%E1%BB%B1_Vi%E1%BB%87t_Nam_s%E1%BB%ADa_%C4%91%E1%BB%95i,_b%E1%BB%95_sung_2009)

Tóm lại, quan điểm của tôi khi bình phẩm việc bàn tán của mọi người suốt mấy hôm nay là không nên loạn bàn những gì mà mình không thật hiểu biết, hoặc đòi hỏi những nghiệp vụ chuyên sâu rất xa với sở trường của mình.

Tháng 11/2010