Tag Archives: giải phóng

Tản mạn Đại lễ (Phần cuối)

Cái bảng điện tử ở cạnh đền Bà Kiệu vẫn đều đều hiện lên số ngày còn lại trước Đại lễ. Nhìn những con số nhỏ dần, đến bây giờ chắc chỉ còn chừng hơn hai chục ngày, chợt nghĩ lan man đến chuyện Hà nội nói riêng và cả nước nói chung, đang háo hức kỷ niệm 1000 năm Thăng long – Hà nội, thực ra là kỷ niệm sự kiện gì, xảy ra ngày nào?

Theo các tài liệu lịch sử phổ thông hiện nay thì mùa xuân năm 1010 vua Lý Thái Tổ xuống Chiếu dời đô và tháng 7 (không rõ âm hay dương lịch) cùng năm bắt đầu dời đô từ Hoa lư ra Đại la. Thành Đại la sau đó được vua Lý Thái Tổ đổi tên thành Thăng long, do nhà vua nhìn thấy có ánh sáng như rồng bay lên khi mới đặt chân đến La thành. Như vậy có thể hiểu rằng thành Thăng long đã được xây nên từ trước đó, với một cái tên khác, và con số 1000 không phải là để kỷ niệm số năm mà Thăng long – Hà nội đã hình thành. Có thể gắn cho sự kiện dời đô hoặc đổi tên La thành ra Thăng long thật nhiều ý nghĩa, song có lẽ hiểu một cách đơn giản và thực chất hơn cả thì Đại lễ này là để kỷ niệm 1000 năm sự kiện ban Chiếu dời đô, hoặc 1000 năm sự kiện dời đô, hoặc 1000 năm đổi tên một trấn thành. Với chỉ riêng Thăng long, ngoại trừ Chiếu dời đô, thì việc dời đô hay đổi tên trong lịch sử cũng đã xảy ra không chỉ một lần. Cho nên hiểu như vậy sẽ dẫn tới một chút nghi ngờ rằng dường như sức nặng của sự kiện được nâng lên bởi con số 1000 năm chứ không phải 1000 năm mới có sự kiện ngang tầm, e sẽ làm nhiều người phật ý vì có vẻ hạ thấp tầm quan trọng của Đại lễ chăng?

Tiếp đến là chuyện chọn ngày tiến hành Đại lễ, ngày 10/10.

Vì không thấy ai nói rõ cái sự kiện mà Đại lễ sẽ kỷ niệm là sự kiện nào nên đương nhiên việc chọn ngày tiến hành cũng trở nên bớt cần nghiêm cẩn đi rất nhiều. Lẽ thường, khi muốn kỷ niệm một sự kiện lịch sử nào đó mà không biết chính xác diễn ra ngày nào thì người ta làm lễ vào ngày đầu tháng, hoặc tháng cũng không chắc thì người ta làm vào đầu những năm chẵn, như 1000 năm chẳng hạn. Thế nên việc chọn ngày 10/10 hoàn toàn là một ý tưởng chủ quan của những người đứng ra tổ chức Đại lễ, và vì thế nó mang ý nghĩa như nhân ngày 10/10 người ta tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng long.

Nhưng ngày 10/10 là ngày gì mà người ta chọn?

Nếu vẫn có nhiều người cười khẩy mà nói rằng: “ngày 10/10 là ngày Giải phóng Thủ đô chứ là ngày gì”, thì câu hỏi này vẫn không phải là một câu hỏi ngớ ngẩn hay lẩm cẩm. Việc gọi ngày 10/10 là ngày giải phóng Thủ đô hình như mới có gần đây, còn trước đây người ta gọi ngày này là ngày Tiếp quản Thủ đô. Lịch sử hiện tại ghi rằng năm 1954, sau chiến thắng Điện biên phủ, và cũng là sau những cuộc mặc cả hay gọi một cách ngoại giao là thương lượng giữa các nước lớn đứng sau cuộc chiến, thực dân Pháp đã phải ký với nước Việt nam DCCH hiệp định Giơnevơ vào  tháng 7, trong đó có điều khoản Pháp trao trả Hà nội và tạm đóng quân ở Hải phòng trong 200 ngày tiếp theo trước khi rút hết khỏi miền Bắc. Các bài viết và hồi ký về thời kỳ này cũng tả lại cảm xúc háo hức, hồi hộp khi chuẩn bị nhận bàn giao chính quyền, cảm giác căng thẳng chờ đợi khi những toán lính Pháp lần cuối gõ giày trên đường phố Hà nội, cảm giác hân hoan sung sướng khi tên lính xâm lược cuối cùng khuất dạng bên kia cầu Long biên và phố phường Thủ đô bung cửa tung cờ hoa đón mừng đoàn quân Việt minh từ 5 cửa ô tiến về.

Bởi thế, trừ khi có một cách hiểu hay định nghĩa khác về từ Giải phóng, còn nếu muốn lấy ngày giải phóng Thủ đô làm ngày tiến hành Đại lễ thì trong lịch sử 1000 năm của mình Thăng long đã từng nhiều lần được giải phóng, theo đúng nghĩa giải phóng vào các thời vua Trần, vua Lê, khi cha ông ta đánh đuổi quân xâm lược phải bỏ chạy ra khỏi bờ cõi. Lần giải phóng Thăng long gần đây nhất và có lẽ oanh liệt nhất cho tới nay là lần vua Quang Trung đại phá mấy chục vạn quân Thanh với những chiến thắng Ngọc hồi, Đống đa và hùng dũng tiến vào Thăng long khi chiến bào còn vương khói súng, sáng sớm ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu 1789.

Còn một cách giải thích khác rằng chọn ngày 10/10 là bởi nó làm người ta liên tưởng tới con số 1010, năm diễn ra sự kiện ban Chiếu dời đô và sau đó là thiên đô từ Hoa lư về La thành. Nếu thật sự vì lý do đó hay bất cứ lý do nào khác nữa, thì đó cũng là quyền của những người tổ chức Đại lễ. Và vì thế sẽ chẳng phải băn khoăn về việc ngày của Đại lễ theo con số đếm ngược là ngày 10/10, nhưng Đại lễ sẽ khai mạc vào ngày 01/10, có lẽ là vô tình trùng với ngày quốc khánh nước CHND Trung hoa, và ngày diễn ra Đại lễ lại là ngày bế mạc. (Chuyện này có cái gì hao hao với chuyện h/s đi học từ giữa tháng 8 nhưng đến 04/09 mới làm lễ khai giảng vậy).

Tầm vóc của những sự kiện lịch sử vẫn sẽ mãi mãi không thay đổi, nhưng đôi khi vì những lý do này khác người ta có thể làm cho nó lớn lên hay nhỏ đi trong mắt của người đương thời. Có điều lớn lên hay nhỏ đi có khi nằm ngoài ý định của họ.

Tháng 9/2010

P/s: Càng đến gần Đại lễ 1000 năm, những sự kiện và hành động ăn theo Đại lễ càng nhiều, nhiều khi rất lố bịch, cùng với những lời nói, bài viết đả kích sự ăn theo ấy. Bài viết này ghi lại những suy nghĩ lan man nảy ra từ những hiện tượng đó và vì thế thực chất cũng là ăn theo Đại lễ 1000 năm. Hihi…

Nhân dịp 2/9, nghĩ lan man

Ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày quốc khánh, là ngày thành lập nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, mà sau này đã đổi tên thành nước Cộng hòa XHCN Việt nam. Đó là điều ai ai cũng biết, trẻ con cũng biết, và tôi biết điều đó từ hồi còn trẻ con (riêng việc đổi tên nước thì lúc đó tôi sắp thành người lớn rồi, và lúc đó nghe tiếng “CHXHCN Việt nam” tôi, cũng như mọi người hồi đó, cảm thấy sướng lắm. Vì ít nhất cái tên cũng giống như các nước XHCN bên Tây, thiên đường mơ ước của đám dân nghèo chúng tôi thời đó).

Cái sự đã biết đó như là một sự hiển nhiên khiến tôi không một lần tự hỏi: Vậy từ ngày 19 tháng 8, khi Việt minh tuyên bố tổng khởi nghĩa giành chính quyền và từ sau ngày 23 tháng 8, ngày vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, chấm dứt hơn 100 năm triều Nguyễn và hàng ngàn năm phong kiến trên đất nước ta, chính quyền đã dược tổ chức như thế nào? Bởi không thể trong mấy ngày mà kịp bầu hoặc cử ra một bộ máy hành chính các cấp rộng khắp trong cả nước được, và ai là người đủ thẩm quyền và khả năng làm được việc đó? Câu hỏi này chỉ nảy ra khi tôi đọc cuốn “Ba phút sự thật” của nhà văn Phùng Quán, do nhà văn Ngô Minh tập hợp và lo liệu việc xuất bản, trong đó có một chương nói về người đã tổ chức lễ ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ lâm thời, là ông Nguyễn Hữu Đang. (Xem thêm: vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqnmn3n0n31n343tq83a3q3m3237nvnnn)

Rồi câu hỏi này làm tôi lan man nhớ đến sự kiện trưa 30 tháng 4 năm 1975, với việc chiếc xe tăng của QGP (hay QĐNDVN cũng vậy?) húc đổ cánh cổng dinh Thống nhất và sau đó là việc đưa Tổng thống VNCH Dương văn Minh đến Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng để phát trên sóng radio. Nghĩa là sau mấy ngày bom đạn trên đầu, cho đến lúc QGP tiến vào Sài gòn thì vẫn có những người như công nhân viên hệ thống điện hoặc một số công sở khác, trong đó có cả cái ngân hàng đang lưu giữ 16 tấn vàng mà sau này người ta đồn TT Thiệu mang theo ra nước ngoài, đang làm việc bình thường để cho cuộc sống hàng ngày được tiếp diễn. Cái gì và ai khiến họ vẫn làm việc trong thời điểm đó? (Xem thêm: Vào chiều 30-4, sau khi tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và Sài Gòn được giải phóng hoàn toàn, trụ sở Ngân hàng Quốc gia vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các nhân viên ngân hàng và các cảnh sát viên, dưới sự chỉ huy của một thiếu tá. Họ đã không rời vị trí vì nhiệm vụ của họ là bảo vệ an toàn kho tiền và vàng dự trữ, không để nó bị xâm nhập, cướp phá giống như nhiều tòa nhà và trụ sở lân cận. Họ giữ vị trí cho đến khi những người lính giải phóng xuất hiện – tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/135236/Ky-5-Vang-doi-chu.html)

Định lan man nghĩ đến chuyện ngày nay. Nhưng thôi, Stop cho nó lành. Vả chăng thầy thuốc nói: cáu giận nhiều không có lợi cho sức khỏe.

Cuối tháng 8 năm 2010