Tag Archives: giáo dục

Chuyện vớ vẩn

Nói đến ngành giáo dục thì không thể không nói tới hai khẩu hiệu quá quen thuộc đến nỗi có lẽ đã thành slogan của ngành, đó là ‘Tiên học lễ, hậu học văn” và “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Quen đến nỗi dường như không ai quan tâm xem chúng từ đâu đến và chúng có ý nghĩa gì?

Trước hết nói tới chuyện nó từ đâu tới.

Với câu ‘Tiên học lễ, hậu học văn”, mới nghe ‘tiên, hậu” là đã thấy có vẻ cổ xưa nên rất dễ đoán rằng nó từ bên Tàu, bởi xưa nay các cụ hay xài từ Hán – Việt để nhắc lại những điển tích hay thành ngữ có xuất xứ bên Tàu. Câu này phản ánh tư tưởng đề cao chữ “lễ” của Nho giáo, hay còn gọi là Khổng giáo vì được phát triển và truyền bá bởi Đức Khổng Tử. Thế nhưng thực sự ai đã nói câu này và nói khi nào thì vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập tới. Phải chăng câu này do người đời sau nói lại ý của Đức Khổng Tử: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời” trong sách Luận ngữ?

Nếu ở câu trên việc xác định người và thời gian nói ra vẫn còn để ngỏ thì ở câu sau mọi người đều cho rằng đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ví dụ báo điện tử Bắc ninh trong bài “Bác Hồ với Tết Trồng Cây” đăng ngày thứ Năm, 22/02/2007 viết: Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp 2, cấp 3 toàn miền Bắc năm 1958, Bác đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Và trên Lao Động Cuối tuần số 26 ngày 11/07/2010, trong bài “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,…”, tác giả Đào Ngọc Đệ viết: cần phải chuẩn xác khi trích dẫn câu nói của Bác: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Còn Tạp chí Xây Dựng Đảng trong bài “Hai điều tâm huyết của Bác Hồ”, đăng ngày 6/2/2010  thì viết: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đó là hai câu mở đầu bài nói của Bác Hồ tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13-9-1958, đăng trên báo Nhân Dân số 1645, ngày 14-9-1958.

Có thể kể thêm rất nhiều bài viết khác nữa, nhưng có lẽ chỉ bấy nhiêu cũng đủ để thấy mọi người đã thống nhất rằng câu nói trên là của CT HCM. Quan điểm này chắc không thể sai, nhưng có lẽ sẽ không thừa nếu chúng ta biết thêm một bài thơ trong sách Quản Tử của Quản Trọng, một danh nhân thời Xuân Thu, 700 năm trước Công nguyên (trước Khổng Tử chừng 200 năm):

“Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc

Thập niên chi kế mạc như thụ mộc

Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn

Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã

Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã

Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã”

Tạm dịch:

“Kế một năm, chi bằng trồng lúa

Kế 10 năm, chi bằng trồng cây

Kế trọn đời, chi bằng trồng nguời.

Trồng một, gặt một, ấy là lúa

Trồng một, gặt mười, ấy là cây

Trồng một, gặt trăm, ấy là người”

Chuyện tiếp theo là ý nghĩa của mỗi câu.

Về câu :“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. bất kể đó là câu nói của Bác Hồ kính yêu hay là Bác diễn giải lời người xưa thì cũng kể như là mệnh lệnh của lãnh tụ về sách lược của cả ngành giáo dục, bởi vậy không dám loạn bàn. Chỉ nên tìm hiểu câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vốn như là một phương châm giáo dục mà thôi.

Thực ra ý nghĩa của câu “Tiên học lễ, hậu học văn” không có gì là mới mẻ hay khó hiểu cả, bởi gốc gác của nó đã có từ xa xưa rồi. Tuy nhiên vật đổi sao dời, trải qua các cuộc cách mạng như Xôviết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, coi trí thức và người giàu cũng là kẻ thù giai cấp cần phải xóa bỏ, hay trong các phong trào “Phản phong phản đế”, “Xây dựng nếp sống mới” sau này, thì cùng với việc lấy đình chùa làm kho hợp tác, lấy bia đá ra để đập lúa hay làm cầu ao, đương nhiên những giáo lý của đạo Khổng chỉ bị cho vào quên lãng đã là may mắn lắm rồi. Chỉ khi sang đến thời nay, khi hàng loạt đình chùa được ồ ạt trùng tu hay xây mới với những tô xanh tô đỏ thì khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” mới bắt đầu giăng giăng khắp các cổng trường, một lần nữa nêu cao giáo lý đạo Khổng, không muộn hơn so với quê hương Đức Khổng Tử khi sau một thời kỳ vùi dập đạo Khổng thì nay lại bắt đầu giương cao và đẩy mạnh truyền bá ra khắp năm châu.

Thời đại mới nên cách hiểu về “lễ” cũng đã khác. Không còn giống như xưa, khi chữ Lễ (lễ nghi, lễ phép) chỉ cách thức giao tiếp giữa người và thần linh, giữa người trên với người dưới và giữa con người với nhau, bây giờ lễ còn mang thêm nghĩa mới là lễ vật. “Tiên học lễ, hậu học văn” hiện đại là theo ý mới này. Cùng với sự phát triển của thời đại, chữ lễ còn được dịch sang chữ Nôm Na là “Phong bì”, một từ khởi thủy là danh từ (như trong câu “đưa tao cái phong bì”), nhưng do quá phổ biến đã trở thành động từ, ví dụ “mày đã phong bì cho thầy chưa?” chẳng hạn. Và theo đó khẩu hiệu mới, tương đương với khẩu hiệu cũ sẽ là “tiên học phong bì, hậu học văn”, nghe không vần điệu lắm nhưng rõ ràng, không gây nhầm lẫn và có âm hưởng hiện đại hơn nhiều. Quan trọng nhất là dễ làm theo. Cứ nhìn các phụ huynh, mỗi lần đưa con vào học là trước hết phải học cách phong bì sao cho hiệu quả thì biết.

Chữ Lễ cũng có thể diễn giải theo một cách khác, theo xu hướng chung của công cuộc cải cách giáo dục. Nhiều khả năng sau khi tiến hành các cải cách như dạy chữ E trước chữ A, sửa đổi các cách viết chữ trong tiếng Việt, tăng tải giảm tải, một số người đã ngầm cải cách cả một số khái niệm từ xưa để lại, ví dụ thay chữ Lễ bằng chữ Võ. Thành ra khi viết là võ thì phải hiểu là lễ, hoặc võ và lễ là một, v.v…. Kết quả là nhiều học sinh do lẫn lộn khái niệm đã “tiên học võ, hậu học văn”, hoặc bản thân ngành giáo dục do cải cách nhiều quá nên đôi khi cũng trở thành nạn nhân của mình, đã để xảy ra một số vụ hiểu lầm nhỏ mà người ta làm ầm lên là ‘Bạo lực học đường” trong thời gian qua.

Chữ Lễ là vậy, còn chữ Văn? Thời xưa chỉ học văn nên gọi “văn là người”. Bây giờ khác, Văn chỉ là một phần trong Văn Sử Địa, còn có Toán Lý Hóa. Tất cả nằm một bên, còn một bên nữa là Triết học Mác – Lê, chính trị, kinh tế … Nhưng những cái đó không thể dạy một lúc được, bởi thế cái văn trong “hậu học văn” hẳn có ý nghĩa là học cách nói sao cho văn vẻ, uyển chuyển để cho người khác không biết đường nào mà lần, ví dụ như biết cách dùng từ “trung kiên” và “ngoan cố”, “Nhà đầu tư”  hay “Lũ tư bản”, “bọn đầu cơ”, “chủ nghĩa tư bản” hay “kinh tế thị trường” v.v… tùy lúc, tùy người mà nói. Hoặc với trẻ con thì chỉ đơn giản là nói thật đúng lời cô giáo dặn mỗi khi có đoàn kiểm tra hay khách khứa đến thăm lớp hỏi han chuyện gì, thế thôi.

Tóm lại, với việc vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo các tư tưởng Đông – Tây, kim – cổ, trên nguyên tắc hiện đại, dân tộc, chắc chắn ngành giáo dục sẽ đưa dân ta tiên nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc thẳng tới CNXH và sau đó là CNCS, giấc mơ lớn của toàn nhân loại tiến bộ.

Uraaaaaaaaaaaa………..

P/S: Có thể bài này sẽ làm một số bạn (giáo viên) phiền lòng. Nhưng tôi swear rằng đó không phải là ý muốn của tôi. Tôi chỉ nói lên một sự thật, một sự thật vẫn đang hiện diện xung quanh, bất kể tôi có nói ra hay không.

Tài liệu tham khảo:

-vi.wikipedia.org/wiki/Quản_Trọng

-vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_Lễ

-vi.wikipedia.org/wiki/Khổng_Tử

-Các trang báo điện tử đã dẫn.

Tháng 7 năm 2010