Thơ sưu tầm

*  TRÊN ĐƯỜNG THANH NIÊN

(Thơ: Việt Phương)

Ta đi yêu người ta yêu nhau

Người ta cũng là ta khác đâu

Ta yêu tình yêu người ta lắm

Say đắm bao nhiêu cái hôn đầu


Ta đi yêu người ta yêu nhau

Đêm chớ về khuya,  hương đượm lâu

Gió ơi gió hãy vừa đủ lạnh

Cho những lứa đôi chụm mái đầu


Ta rủ sóng hồ im lặng im

Thảm cỏ ven bờ êm thật êm

Trời sao mở hết chiều sâu thẳm

Hàng liễu thướt tha thả tóc mềm


Đừng có bao giờ dứt bỏ nhau

Yêu nữa, người ơi, chưa đủ đâu

Đôi nào cần nối tình dang dở

Đây trái tim ta hiến nhịp cầu


Ta hẹn Hồ Tây mỗi buổi chiều

Người về, ta cũng lại về theo

Chẳng đợi riêng ai, ta đợi cả

Nhân cuộc đời ta lên tình yêu.


Đôi nét về tác giả:

Nhà thơ Việt Phương (Trần Việt Phương, tên khai sinh là Trần Quang Huy) sinh năm 1928, quê chính gốc Hà Nội. Ông là một nhân cách lớn, một trí thức lớn của đất nước.

Thơ Việt Phương toát lên tư duy đặc sắc, độc đáo, tư duy ấy hòa quyện với những cảm xúc của một trái tim nhân hậu, thương mình, thương nhà, thương nước, thương người, thương đời, cuộc sống và nhân tình thế thái.

Năm 1970, Nhà Xuất bản Văn học xuất bản tập thơ “Cửa mở” của ông. Tập thơ đã gây tiếng vang lớn. Đến thời kỳ đổi mới, năm 1989, tập thơ lại được Nhà Xuất bản Văn học tái bản.

Nhà thơ Việt Phương là một trong những người có sáng kiến ngày Hòa giải & Yêu thương 9/9.

(Nguồn: gdtxlak.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=705:qchinq-ca-nha-th-vit-phng&catid=35:tin-tc&Itemid=70)




* Tây tiến

(Giới thiệu bài thơ này của nhà thơ Quang Dũng.

Tưởng nhớ tới những anh hùng vô danh trên con đường đi tới chiến thắng Điện biên)

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi


Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi


Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người


Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi


Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ


Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa


Tây tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm


Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành


Tây tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


Phù Lưu Chanh — 1948

Quang Dũng

Nguồn: Thái Nhi

VN Thư quán,

(http://vnthuquan.net/tho/tho.aspx?id=2146&thisi=Quang%20D%C5%A9ng&cochu=)

P.S:

1-      Hoàn cảnh ra đời bài thơ:

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống quân đội của thực dân Pháp. Chiến sĩ trong đoàn quân này phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên (như nhà thơ Quang Dũng). Chiến đấu khắp các địa bàn thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa, Sầm Nứa (Lào), trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, nhưng “họ sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm” [1]. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa binh đoàn Tây Tiến chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), ông viết bài thơ Nhớ Tây Tiến, mà sau này ông cho đổi tên là Tây Tiến.

(http://vi.wikipedia.org/wiki/Tây_Tiến)

2-  Về Trung đoàn 52 Tây Tiến:

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Trung đoàn 52 Tây Tiến, thường gọi là Trung đoàn Tây Tiến, là một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Kháng chiến chống Pháp.

Trung đoàn được thành lập ngày 27 tháng 2 năm 1947[1]. Binh sĩ bao gồm các chiến sĩ giải phóng quân từ Việt Bắc về Hà Nội chuyển thành Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, trí thức, dân nghèo thành thị, các nhà sư, cựu binh trong quân đội thuộc địa Pháp, người dân tộc… tự nguyện tham gia Mặt trận Việt Minh[2].

Năm 1951, khi sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) được thành lập, Trung đoàn Tây Tiến trở thành một trong ba trung đoàn của sư đoàn này.

(http://vi.wikipedia.org/wiki/Trung_đoàn_Tây_Tiến)

3-      Còn đây là bức ảnh chụp di tích tưởng niệm Trung đoàn Tây tiến tại thị trấn Mộc châu vào sáng ngày 1-5-2010, khi ngoài đường phố rợp cờ hoa mừng Đại thắng mùa xuân.

 

Tây tiến xa rồi Tây tiến ơi ...

 

10 responses to “Thơ sưu tầm

  1. Thì ra chú cũng là người rất yêu thơ nữa.
    Tấm di tích tưởng niệm trên trông rất trang nghiêm.
    Hình như Chú chưa xem mục giới thiệu bên nhà chị thì phải?
    Sang tìm mục tin nhắn nhà chú mà không thấy đâu cả, Sao chú không lập thêm mục tin nhắn giống mọi người?

  2. Mình thích lời bình tấm ảnh” Tây tiến xa rồi Tây tiến ơi”. Hài hước thật

Bình luận về bài viết này