Tag Archives: tăng giá

Chuyện tăng giá, tăng, tăng giá …

Có lẽ ít có vấn đề nào lại gây chia rẽ (nhưng không chia cắt) trong ý kiến của xã hội như vấn đề tăng giá. Người bán luôn luôn muốn bán giá cao và thường xuyên thấy giá bán của mình thấp, người mua ngược lại luôn muốn mua giá thấp và dị ứng với tăng giá. Trò chơi kéo co này có một ông trọng tài là quy luật cung cầu, đôi khi là nhà nước và ở VN thì khá thường xuyên là nhà nước.

Trong cuộc chơi không cân sức này, người mua chiếm số đông nhưng phần thắng thường thuộc về người bán, và vì thế nỗi ấm ức là tâm trạng phổ biến sau mỗi lần tăng giá. Nỗi ấm ức này đôi khi làm người ta không muốn nhìn nhận xem việc tăng giá có hợp lý hay không, và đánh đồng mọi sự tăng giá là đều tiêu cực như nhau. Điển hình cho suy nghĩ này, theo tôi, là thái độ của mọi người trước việc tăng giá điện, xăng dầu, thuốc tây và sữa ngoại.

Trước hết là chuyện tăng giá sữa và thuốc tân dược. Có một thực tế là nhiều cơ quan NN phải vật lộn với việc “quản lý” giá, áp đặt giá, mà giá vẫn cao ngất ngưởng so với thế giới. Không hiểu vì sao các cơ quan này không dùng các chính sách thuế và sự điều tiết của thị trường để điều chỉnh, ví dụ như cho nhiều đầu mối nhập hàng, NN quản lý chất lượng và kiểm soát giá nhập khẩu, ai bán cao chịu thuế cao, bán đắt quá không ai mua thì dẹp tiệm. Kết quả là do những cung cách làm việc lạ thường này của các nhà quản lý mà một thị trường méo mó đã được tạo ra, với một thế giới những nhà cung cấp và người bán hàng khép kín đầy bí ẩn, thích tăng giá bao nhiêu thì tăng mặc những bức xúc của người mua và những (có vẻ như là) nỗ lực tuyệt vọng của các cơ quan quản lý nhà nước. Còn người mua, thay vì quyền được lựa chọn để đảm bảo quyền lợi của mình thì lại phải cắn răng mua trong sự ấm ức mà không biết hướng cái ấm ức ấy cho ai, người bán, thị trường hay các cơ quan quản lý, hay tất cả? Tóm lại, việc tăng giá là khó chấp nhận được.

Câu chuyện tăng giá xăng dầu lại có những khía cạnh khác. Trước những đợt tăng giá là những lời kể khổ của người bán rằng mỗi lít nhiên liệu họ đang lỗ x đồng, thiệt hại hàng y tỷ đồng mỗi ngày, v.v… Sau khi tăng giá thì báo chí lại kể ra anh công nhân A mất thêm mỗi ngày mấy ngàn tiền xăng, chị viên chức B mỗi tháng mất thêm mấy chục ngàn tiền xăng, bác xe ôm C càng khó khăn thêm vì xăng tăng giá, … Song bình tâm lại ta sẽ thấy đây là một vấn đề có tính hai mặt.

Thứ nhất, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thực sự lỗ vì giá đầu vào tăng như họ nói, hay do quản lý yếu kém, nghiệp vụ buôn bán yếu kém nên thất thoát, thua lỗ và cái lỗ đó đổ lên đầu người mua?

Thứ hai, ai là người thiệt hại vì tăng giá?

Nhãn tiền đương nhiên là những người nghèo và họ thường được đưa ra để biện hộ cho việc phản đối tăng giá xăng dầu. Ít ai để ý rằng khi xăng có giá 5.000 VNĐ/lít, giá xe ôm khoảng gần 1.000 VNĐ/km. với 10.000 VNĐ tiền xăng bác xe ôm kiếm chưa được 100.000 VNĐ. Nay xăng khoảng 16.000 VNĐ/lít, giá xe ôm đã xấp xỉ 5.000 VNĐ/km, với 10.000 VNĐ tiền xăng bác kiếm được cỡ 155.000 VNĐ, Nghĩa là bác chẳng nên kêu, còn người đi xe không kêu vì họ biết giá lên cao đâu chỉ bởi vì giá xăng tăng. Còn với những người khác, vài chục ngàn chi thêm mỗi tháng bên cạnh những chi phí chơi số đề hay cà phê, thuốc lá thì không phải là lý do để phản đối tăng giá, nếu thực sự phải tăng.

Thiệt hại vì tăng giá xăng chủ yếu là người giàu, những người sở hữu những chiếc xe hơi đắt tiền hơn, tiêu hao xăng đương nhiên nhiều lần lớn hơn xe máy. Và thiệt hại nặng nhất là cánh buôn lậu xăng dầu ở biên giới. Do xăng dầu ở VN rẻ hơn khá nhiều so với các nước láng giềng nên việc trợ giá xăng dầu hay giữ giá thấp đã mang cho họ những khoản lãi lớn. Tăng giá xăng dầu đã làm giảm lợi nhuận của họ khá nhiều. Nhưng những đối tượng này không kêu, một phần vì tiếng kêu sẽ rất phản cảm, thứ nữa là qua báo chí người nghèo đã kêu giúp họ rồi.

Chuyện tăng giá điện lại khác nữa.

Hiện nay giá điện đang thấp hơn giá thành, và cùng với sự quản lý kém và cơ sở hạ tầng cũng kém khiến tổn thất, hao hụt điện ở mức cao, đã làm cho ngành điện lỗ nặng. Sự độc quyền của ngành điện đã làm người ta có ác cảm với những tiếng kêu gọi tăng giá điện, và lý do vẫn là vì cuộc sống của những người nghèo, người thu nhập thấp. Sự thật có như vậy không?

Sự thật là rất ít người nghèo được hưởng giá điện thấp so với rất đông những người nghèo khác đang phải dùng điện đắt gấp 6, 7 lần (khoảng 3, 4 ngàn/kWh) ở các nhà trọ hay qua các đầu nậu điện ở nông thôn. Và ngay cả khi những người nghèo này đều được hưởng giá thấp và nay phải dùng giá cao (khoảng 2, 3 ngàn/ kWh) thì với những thiết bị điện ít ỏi trong nhà, số tiền chênh lệch bỏ ra là không lớn. Chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều vẫn là những người giàu, với rất nhiều thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn như máy lạnh, bình đun nước nóng, ti vi màn hình lớn, giàn âm thanh công suất cao v.v…

Việc bù giá điện để giữ giá điện thấp hơn giá thành đã tạo nên một thực tế là ai càng xài nhiều điện thì càng được hưởng tiền bù giá nhiều, và người hưởng lợi lớn nhất tất nhiên là những người xài điện nhiều nhất. Đó là những công ty không cần quan tâm tới thiết bị hay công nghệ của mình có tốn điện hay không, chỉ cần rẻ để có lãi nhiều. Đó là những công ty thép nhan nhản khắp VN, mà một phần lợi nhuận của họ bắt nguồn từ tiền bù giá điện bởi họ tiêu thụ rất nhiều điện năng, tỷ trọng chi phí điện năng trong giá thành khá lớn. Chính những công ty này làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu điện và chính họ mong muốn giá điện thấp còn tha thiết hơn cả những người nghèo.

Hậu quả của việc tạo ra cái thị trường méo mó này gây ra không chỉ có thế. Nó còn gây ra tình trạng thiếu điện triền miên vì không ai dám đầu tư vào làm điện, khiến người mua trở thành (hay ít nhất giống như) kẻ đi xin mà vẫn mất tiền. Những ai trải qua mùa hè vừa qua trong những đợt cắt điện triền miên chắc còn nhớ cảm giác khổ sở vì nóng, vì nghe tiếng máy nổ và mùi khói dầu từ những máy phát điện nhà hàng xóm. Trong số đó chắc không ít người nghĩ rằng thà trả 2, 3 ngàn cho 1 kWh để có điện ổn định còn hơn mức giá xấp xỉ 1 ngàn/ kWh như hiện nay.

Trong quan hệ mua bán bình thường, không có ai tự dưng mang tiền nhà mình hoặc bán đất bán nhà mình đi để lấy tiền ra bù lỗ cho thiên hạ. Các tổng công ty xăng dầu hay điện lực cũng vậy, không có ai dù là lãnh đạo đi nữa, lấy tiền của mình ra bù lỗ. Chung quy những gì bán thấp hơn giá thành chẳng qua là lấy của người nọ, ngành nọ bỏ vào túi người hay ngành kia, mà nói cho đúng thì cũng là tiền của dân cả. Có tốt hơn chăng, là đừng dùng số tiền đó để bù giá này nọ làm biến dạng thị trường và làm lợi chủ yếu cho người giàu và đại gia, mà nên dùng đúng với câu nói vì người nghèo, cho người nghèo là chính. Đó dùng số tiền đó một cách minh bạch vào việc đầu tư cho giáo dục, giảm bớt gánh nặng đóng góp đang đè nặng lên vai mọi người, hoặc đầu tư cho cơ sở vật chất và tuyên truyền, giáo dục về y tế dự phòng, cải tạo môi trường sống của người nghèo nhằm giảm bớt bệnh tật và qua đó giảm chi phí khám chữa bệnh cho mọi người, v.v…

Nghĩa là có rất nhiều việc có thể làm cho người nghèo, thiết thực và hiệu quả hơn nhiều so với cái việc ghìm giá xăng hay giữ giá điện thấp dưới giá thành như hiện nay.

Đòi hỏi nhà nước phải hạn chế tăng giá để bảo vệ quyền lợi của người mua là điều khó, nhất là khi trong xã hội lúc này người ta là người bán, lúc khác lại là người mua. Nhưng thiết nghĩ đòi hỏi nhà nước bớt đi vai trò làm trọng tài để làm tốt hơn vai trò của người tạo ra và giữ gìn một sân chơi lành mạnh, sòng phẳng và công bằng cho mọi người là một đòi hỏi chính đáng, nhất là khi nhà nước là của dân, do dân và vì dân.

Tháng 10/2010