Album ảnh

Pháo và Tết

Tết, hay đúng hơn phải gọi đầy đủ là tết nguyên đán, vốn được coi là một dịp lễ cổ truyền lớn nhất. Và cũng theo truyền thống, ngày xưa trong dịp lễ này không thể thiếu những thứ đã được kể trong mấy câu thơ

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Tuy nhiên, trong khi người ta nhấn mạnh vào tính truyền thống của tết nguyên đán, thì có tới một nửa những cái cấu thành của nó – cũng theo truyền thống, là câu đối đỏ, cây nêu và tràng pháo – đã dần dần biến mất vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, sự biến mất của tràng pháo là điều đáng suy nghĩ nhất.

Với nhiều người, việc thiếu mất tràng pháo cổ truyền trong một cái tết cổ truyền đơn giản chỉ là do lệnh cấm pháo của chính quyền. Trên thực tế, ngoài một vài nguyên nhân phụ mang tính suy diễn về yêu cầu an ninh, có vẻ như nguyên nhân chính của việc cấm này bắt nguồn từ ý thức và thói quen dùng pháo ngày càng quá đáng của dân chúng.

Còn nhớ, khoảng những năm 1980’s việc mua thuốc pháo về để tự làm pháo ngày càng trở nên phổ biến. Làng pháo truyền thống Bình đà thời đó nổi tiếng không phải vì có lễ hội pháo Bình đà, hay chỉ vì sản phẩm pháo Bình đà, mà còn vì đó là nơi cung cấp thuốc pháo, ngòi pháo cho dân chơi pháo Hanoi và các vùng lân cận. Việc mua dăm ba lạng thuốc pháo, một bó vài trăm cái ngòi pháo về nhà để thỏa cái đam mê tự tay làm đồ chơi là chuyện đơn giản, và chuyện các cậu thanh thiếu niên trẻ tự làm ra những bánh pháo tết thay cho việc phải đi mua là chuyện phổ biến. Và theo đó, cùng với tính nghịch ngợm đặc trưng của tuổi trẻ, những quả pháo khủng lần lượt nối nhau ra đời, quả sau to hơn quả trước. Những quả pháo to như bắp đùi làm người ta liên tưởng đến quả mìn, với sức nổ làm rung chuyển cả những căn nhà phố, làm lở tường hay nứt sàn nhà trở nên chuyện thường ngày trong cuộc chạy đua ngấm ngầm không có hồi kết của các chàng thanh niên mới lớn. Tất nhiên cùng với đà tăng của việc làm pháo thì những tai nạn xung quanh cái thú chơi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro ấy cũng tăng lên theo. Số vụ tai nạn như cháy nhà, gãy tay, hỏng mắt hay thậm chí chết người do nổ thuốc pháo trong khi sấy thuốc, hay trong lúc nhồi thuốc pháo, hay lúc tra ngòi pháo v.v… cứ đều đặn tăng từng năm.

Nhưng những tai nạn do việc tự làm pháo gây ra chỉ là chuyện nhỏ nếu so với những tai nạn do đốt pháo.

Thời những năm 1960’s, đầu những năm 1970’s, pháo còn là mặt hàng phân phối, việc đốt pháo chắc vẫn không khác nhiều thời các cụ, đó là chỉ đơn giản treo tràng pháo lên đâu đó và đốt. Pháo thời đó chỉ gồm có hai loại là pháo thường và pháo tép, pháo thường chỉ to cỡ đầu đũa, mỗi bánh pháo dài khoảng bảy mươi xăng ti, thường kèm thêm dăm bảy quả pháo đùng, mỗi quả cỡ bằng ngón tay, còn quả pháo tép chỉ to cỡ hai cái tăm và được hồ dính vào nhau thành bánh dài khoảng hai ba chục xăng ti, bọn trẻ con rất khó tách ra để lấy phảo lẻ đem chơi.

Dần dà, pháo đã tăng kích thước mỗi ngày một chút. Bánh pháo thường sau này nhiều khi được tết bằng những quả pháo to như pháo đùng ngày xưa, thậm chí còn to hơn, và thay cho pháo đùng trước đây là loại pháo cối, loại pháo có kích thước ít nhất cũng phải cỡ từ ngón chân cái trở lên. Bánh pháo cũng dài hơn, tới vài ba mét, có khi còn dài đến mức đủ để buông từ tầng hai, tầng ba xuống đến mặt đất, bánh pháo càng dài chứng tỏ nhà càng giàu. Lượng pháo đốt mỗi năm một nhiều hơn, pháo to hơn, nên chẳng có gì khó đoán là cứ mỗi dịp giao thừa thì khói pháo năm nay lại mịt mù hơn năm trước. Chắc nhiều người vẫn còn nhớ tết năm 1994, năm cuối cùng được đốt pháo, pháo nổ rền suốt hơn nửa giờ từ trước đến sau giao thừa, tạo nên một màn khói đặc quánh khét sặc mùi thuốc súng, đứng cách vài ba mét là đã không còn nhìn thấy bóng đèn, kể cả đèn neon.

Nhưng đáng sợ nhất phải kể đến cái cách chơi pháo. Thời trước các cụ chơi pháo chủ yếu là đốt nguyên bánh pháo, chỉ có bọn trẻ con mới xúm vào tìm nhặt những quả pháo rơi để mang đi chơi nghịch với nhau. Trò nghịch thời trước cũng chỉ là dí que hương vào rồi chạy tán loạn khi ngòi pháo xì xì cháy trước khi pháo nổ. Vế sau, khi các thanh niên cũng tham gia nghịch pháo với trẻ con thì các trò nghịch cũng được thường xuyên nâng cấp. Pháo được cắm vào bùn, vào các bãi phân trâu bò hay đặt dưới ống bơ hoặc bất cứ chỗ nào thấy thích, để tăng cảm giác khi xem pháo nổ. Kích thước các quả pháo cũng được tăng lên, có quả pháo to gần như quả mìn, dư sức thổi bay nguyên cả đống phân vào những ai không may đi ngang qua. Đỉnh điểm của thú chơi pháo kiểu này là trò vui của các chàng trai trẻ tụ tập đốt và ném pháo vào các cô gái trẻ đi trên đường, với đủ các loại pháo có trong tay, kể cả pháo đùng hay pháo cối. Thời trước năm 1994 thanh niên không hiếu động bằng bây giờ, vậy mà đã có rất nhiều cô gái đã phải nhập viện vì bị ném pháo vào người, đa phần là bỏng mặt hay hỏng mắt.

Việc thiếu vắng tràng pháo trong các dịp lễ tết hội hè hay các dịp vui khác đương nhiên là một thiệt thòi của mọi người, nhất là những người chơi pháo tử tế. Hẳn nhiều người sẽ rất nhớ tiếng pháo giao thừa rộn rã phá tan cái không khí u tịch của những làng quê xưa, nhớ mùi pháo quyện với mùi hương và mùi hoa tạo nên một bầu không khí dễ làm say lòng người. Hay nhớ tới những dịp đón năm mới ở vùng cao, người người đi chúc tết nhau cùng tiếng pháo giòn giã bên những nếp nhà sàn, làn khói xanh của bếp, của hương, của pháo nhẹ bay trên những cánh đồng đầy rơm rạ khô trên các sườn đồi …

Tất cả đã lùi lại và đi vào dĩ vãng, khi những người tử tế đã không ngăn nổi những người dại dột làm những trò dại dột và để cho nó càng ngày càng trở nên quái đản. Hoặc trong mỗi con người, phần tử tế đã không thắng nổi phần dại dột. Và tất cả đã chịu chung số phận là trở thành con tin của thói xấu. Trách được ai?

Tháng 3/2018

 

 

Bình luận về bài viết này