Album ảnh

CHỬI THỀ NÓI TỤC = MẤT DẠY

Đoàn Nam Sinh

 

Lắng trong lời lẽ thường đàm của người ở chợ búa, bến xe bến tàu ngày xưa, nhất là chỗ ăn uống rượu chè, chỗ cờ bạc ăn thua, chỗ giang hồ tứ chiếng hội lại, … thì thường nghe trong ấy có tiếng đệm, còn gọi là hô ngữ. Trong Nam thì phân ra nói tục với chửi thề, ngoài Bắc hay bảo là văng tục.

Tiếng chửi tục thì dân tộc nào cũng có, chẳng biết ai lây cho ai trong cả quá trình giao lưu qua lại. Người ở xứ “bỉ vỏ” cũng văng tục ‘đ… cái l… mẹ’ như người Quảng nói “tỉu lậu nạ” hay chửi thề ‘đ… mẹ mày!’ – ‘tỉu nà ma!’. Người trong Nam thay vì chửi ‘đồ súc sinh!’ theo kiểu của ba Tàu hay ‘Bêtes!’/ đồ súc vật!’ như Tây thì cứ gào là ‘đồ chó đẻ!’.

Chửi thề, chửi tục là chửi rủa, theo cách tán thán từ, viết ra phải có dấu chấm than. Còn văng tục hay nói tục thì không, nó đệm lẫn trong dòng câu chữ mà chẳng mang một ý nghĩa gì.

Thuở trước, nề nếp gia phong rèn cặp không cho con cháu nói lời thô tục, vì một lẽ hiển nhiên: những lời lẽ ấy thuộc phường vô học, cùng đinh, hạ lưu, không đáng nuông theo. Trong nhà trường cũng thế, học trò nào mang các lời lẽ ấy vào không gian mô phạm đều bị tẩy chay, thày cô giáo càng nghiêm khắc để giữ lễ và làm mẫu mực. Ngay cả cách nói lua lua, láu láu còn bị chê, phải nói nhỏ nhẹ từ tốn thôi, có kẻ nói người nghe lịch sự.

Thời chiến, khi gần mỗi tấc ly với cái chết, con người hay thể hiện sự quyết liệt ấy qua tiếng quát, tiếng chửi nặng lời, thậm tệ. Càng gian nguy thì càng dễ nóng nảy đến mức bất bình thường, sĩ quan hay lính tráng cũng hay văng tục, chửi thề. Có khi bất lực, không thể thoát nguy thì đành chửi vung, chửi đổng…

Nói dông dài như thế để cho ta thấy rõ, tiếng chửi tục có nguồn gốc từ sự  giao lưu thương mại, với giới giang hồ mọi nước mọi nơi, mà xứ sở ta có biết bao bến cảng trải dài giữa ngã tư quốc tế. Ở đó mới là nơi những thân phận vất vơ đầu đường xó chợ, hàng cá hàng tôm cộng cư, hình thành nhân cách theo kiểu lam lũ, ít học. Mặt khác do dầu dãi chiến chinh, đời nọ nối đời kia, cứ mỗi lúc uất khí lại không dằn mồm được.

Chẳng ai thấy rõ nguyên nhân của tệ văng tục, mà ngày nay tại Thủ đô đã tổ chức khảo sát kỳ công tại các công sở, nhà trường; lại định giao cho sở Văn-Thể-Du liệu đường bắt phạt. Trước đây đã có chuyện khào về lệnh trên chỉ thị khắc phục tệ cả làng chửi tục, xã ra quyết định nộp phạt cho chừa, nhưng không xong. Phóng viên về hỏi Bí thư xã vì sao, thì được nghe từ mồm quan xã “bắn” liên thanh đủ bài. Tức là gãi không đúng chỗ ngứa.

Phải khẳng định rằng câu cửa miệng nói vung cả người ra, nào C nào L, những Đ những Đ,… hay vung vào mặt nhau kiểu đ…con đĩ ngựa với địt mẹ, đéo bà; tổ sư, tổ bố lẫn nhau là những ngữ cấp thấp nhất. Thế nhưng có người học thức hẳn hoi, gia thế đàng hoàng, thậm chí trên cả muôn người, có lúc cũng chửi thề văng tục. Hẳn là  ai cũng biết sự phá lệ, bất thường, vượt quá sức đè nén đó là do áp lực.

Sư tổ Tâm lý học Sigmon Freud có lý giải rằng đó cũng là một hậu quả của tình trạng “tâm lý dồn nén”, mà sự dồn nén ấy ở xứ ta là áp lực xã hội chiếm phần nhiều. Những áp lực của gia đình, của các nhóm nhỏ cũng quan trọng không kém, khiến ta phải sắp xếp ra cho thật rõ ràng.

Đã có lúc báo chí cùng lên tiếng về sự vô lý như nông dân chỉ được lợi rất ít và dễ dàng mất vốn, nợ nần, trong lúc giới trung gian hưởng lợi rất nhiều mà chẳng gặp rủi ro nào. Nhiều nơi, giới trung gian ấy ăn cánh với quan chức hữu trách. Nhà nông biết quá chứ, nhưng thấp cổ bé miệng chỉ còn nước chửi đổng, chửi thề. Người dân cam chịu như câu nói Cời làm Cối ăn và cảnh Ngồi mát ăn bát vàng vẫn thế. Nhưng đành thôi.

Hay chuyện giáo dục bấy nay, ở quê thì trường xa, lớp dột; ở tỉnh thì trường thấp trường cao. Mỗi năm phải sắm cho con sách mới, nộp trăm thứ phí khoản, rồi chạy lớp chạy trường, học thêm học nếm. Vào Đại học biết bao tốn kém, lo toan sợ con hư hỏng. Vậy mà ra trường thất nghiệp, chạy việc cả núi tiền. Nếu được là đẹp mặt AQ, với mức lương thấp hơn nhiều tiền nuôi học hàng tháng. Các bà các mẹ kêu trời là cố lắm, bằng không thì như Cao bá Quát – Đéo mẹ đời !

Chuyện cơ quan công sở cũng vậy. Người tài giỏi được trọng dụng không nhiều, kẻ xu nịnh bợ đỡ thì thăng tiến, như câu: Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương. Thể hiện sự đãi ngộ không tương thích, không quý nhân tài, không trọng người ngay mà làm ngược lại. Hỏi sao không văng tục.

Vẫn dễ dàng nêu ra vô số ví dụ về sự bất công xã hội và sự mất dân chủ ở khắp mọi nơi. Nhất là tệ tham quan ô lại bùng phát, khiến cho từng người, từng nhà, từng xóm thôn, khu phố,… cùng sống trong nỗi cam chịu vô tận. Hỏi sao không có lúc xả  hơi cho giảm xì-chét. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến hủ bại, nói uyển ngữ nhẹ nhàng là đạo đức xã hội bị xuống cấp. Có là ai thì cũng nén lời – ịt ọe nó chứ!

Còn như áp lực gia đình, nhóm lớp trong nhà trường từng khiến nhiều vụ sinh viên học sinh xả súng bên trời Âu Mỹ, hay vụ dùng dao hạ sát nhiều người ở Tokyo tuần qua. Ở xứ ta cũng vậy, chuyện nữ sinh lột áo nhau, dằn mặt nhau; nam sinh đâm chém nhau; hay chuyện trẻ cấp 2 dắt nhau vào nhà nghỉ, rồi chửi tục, nói bậy đều có nguyên nhân sâu xa đó – sự dồn nén.

Để giải quyết được căn cơ nạn Mất dạy (từ ngữ của chính quyền Hà Nội), thì không chỉ có dạy, được dạy và chịu học. Mà việc chính đáng là thủ đô phải sớm cải thiện toàn diện. Thực hiện đầy đủ nghiêm túc khẩu hiệu Dân chủ-công bằng-văn minh. Trước nhất là thực hiện lời vàng ý ngọc của PTTg NX Phúc: Tuyển chọn người tài, sa thải người kém. Sau đó là thực thi lời dạy của Hồ chủ tịch – Xây dựng đội ngũ đầy tớ biết Cần kiệm liêm chính, Chí công vô tư …

Người ta hay nói: Hà Nội không vội được đâu. Nhưng trong công cuộc này, chúng ta nên tin vì Thủ đô đã tự nhận phần người Việt xấu xí về mình thay cho cả nước, ắt sẽ có quyết tâm một lần đi trước mọi nơi.

Sài Gòn, ngày 18/6/2015.

Bình luận về bài viết này