Album ảnh

Chuyện Biển đảo

Ở VN, biển đảo luôn là một đề tài nóng. Nó là nơi để người ta biểu lộ lòng yêu nước của mình một cách công khai và dễ dàng nhất. Nó cũng là nơi các lãnh đạo dùng đến mỗi khi cần thiết để lái sự chú ý của người dân về các vấn đề quốc nội ra bên ngoài, hoặc là để gia cố tình đoàn kết giữa các tầng lớp xã hội khi có nguy cơ chia rẽ từ bên trong, vì một lý do nào đó.

Trước hết nói về chuyện đảo.

Khoan hẵng nói về ý nghĩa của câu cửa miệng “Quần đảo TS và HS là của VN” được nói thường xuyên, không phải chỉ bởi người phát ngôn BNG, trước hết hãy xem cách mà một hòn đảo hay quần đảo thuộc về một nước nào đó.

Nhiều người vẫn quan niệm rằng một cách tự nhiên, đảo gần nước nào thì thuộc về nước đó, nhưng trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Ví dụ điển hình nhất là quần đảo Falkland (theo cách gọi của người Anh), còn gọi là quần đảo Manvinas (theo cách gọi của người Argentina) đã được người Việt biết đến qua cuộc chiến tranh mang tên nó năm 1982 giữa Anh và Argentina. Kết quả cuối cùng là quần đảo nằm ngoài khơi Argentina lại thuộc về nước Anh ở xa tít tắp, sau một thời gian dài lằng nhằng tranh chấp chủ quyền giữa rất nhiều nước. Một ví dụ khác, sát với người Việt hơn, đó chính là đảo Phú quốc. Rõ ràng là nó nằm gần Cambodia hơn nhiều, nhưng nó lại thuộc về VN, với dân cư hoàn toàn là người Việt sinh sống từ hàng trăm năm trước.

Như vậy, có thể nói rằng căn cứ quan trọng nhất để xác định một đảo hay quần đảo thuộc về ai dựa vào việc người dân đang sinh sống trên đó là người nước nào, hay ít nhất, nó đã hoặc đang được quản lý, khai thác bởi nước nào, chứ không phải dựa trên việc nó nằm ở đâu. Đó cũng là lý do để người Việt có thể nói rằng quần đảo Trường sa thuộc về VN chứ không thuộc về Philippin dù nó ở gần nước này hơn.

Quay trở lại với câu “quần đảo TS và HS là của VN”.

(Lưu ý là phải có thêm mấy chữ “quần đảo” ở đằng trước, bởi rất không hay cho người VN là Trường sa và Hoàng sa cũng là 2 địa danh bên Trung quốc, trong đó thành phố Trường sa là một thành phố lớn, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, Trung quốc. Đòi hỏi tp. Trường sa của họ là “của VN” hẳn nhiên là một đòi hỏi điên rồ không được hoan nghênh).

Quần đảo Hoàng sa từng bị bị coi là vô chủ sau khi Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945. Đến năm 1956 thì VNCH và TQ mỗi bên tới chiếm một nửa, sau đó TQ đã dùng vũ lực chiếm nốt từ năm 1974 và đến nay TQ, Đài Loan và VN vẫn đang tuyên bố có chủ quyền với quần đảo này. Trên thực tế VN cũng đã có nhiều bằng chứng về chủ quyền ở quần đảo này trong quá khứ nhưng hiện tại lại nó lại đang do TQ nắm giữ.

Quần đảo Trường sa thì khác. Sau năm 1945, nhiều nước đã tuyên bố chủ quyền với quần đảo này, nhưng đều không được công nhận và nó bị coi là vô chủ. Cho tới trước năm 1988, vẫn còn khá nhiều đảo nhỏ hoặc đá (chìm hoặc nổi) trong quần đảo này bị bỏ hoang, mặc dù có nhiều nước trong vùng đã có các tuyên bố chủ quyền ở các mức độ khác nhau, trong đó mạnh mẽ nhất là VN, TQ và ĐL. Trên thực tế các nước liên quan đã chia nhau chiếm giữ một số đảo khác lớn hơn, thuận tiện cho việc chiếm đóng và tiếp tế hậu cần. Quá trình chiếm các đảo còn lại chỉ được tăng tốc từ sau 1988, chủ yếu do VN và TQ tiến hành.

Đặc biệt, trong bối cảnh đó, cuộc chiến Gạc ma cũng cần được nhìn nhận lại một cách bình tĩnh và khách quan hơn. Đã có nhiều tài liều viết về cuộc chiến này, và có thể tóm tắt như sau: cho đến đầu năm 1988, mặc dù các bên VN và TQ đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường sa nhưng trên thực tế chưa có ai làm gì nhiều để khẳng định điều này. Đầu tháng 3, phía VN phát hiện phía TQ có nhiều hoạt động quanh cụm đá Gạc ma nên đã cử lực lượng công binh hải quân ra với ý định chiếm giữ trước và cắm cờ khẳng định chủ quyền. Tranh chấp trên bãi Gạc ma nổ ra khi phía TQ cũng cắm cờ của họ trong cùng thời gian đó và phía TQ với lực lượng áp đảo đã thảm sát các chiến sĩ hải quân VN và chiếm được Gạc ma. Tuy nhiên trên 2 đảo kế bên thì phía VN đã chiếm được khi đã kịp cắm cờ trước chỉ trong khoảnh khắc, thậm chí bằng cách nào đó đã đánh bật phía TQ ra khỏi 1 đảo mặc dù họ đã chiếm được trước. Có thể nói trong cuộc chiến này, phía TQ cũng biết tôn trọng luật chơi khi không dùng vũ lực để chiếm các đảo mà phía VN đã cắm cờ trước, và chủ trương “Không nổ súng trước” hoặc “không nổ súng” là một chủ trương không ngoan, đã không đẩy những vụ va chạm này lên thành đụng độ vũ trang mà phần thất bại chắc chắn thuộc về VN vì sức mạnh áo đảo của TQ trên biển khi đó. Đó là điều mà những cái đầu nóng và những anh hùng bàn phím đã cố tình lờ đi.

Về quá trình chiếm các đảo của phía VN trong quần đảo này, ai có nhu cầu thì hỏi Google, ở đây không nói tới nữa vì đã quá dài.

 

Giờ nói về biển.

Hẳn nhiều người còn nhớ ngày xưa, người ta hay truyền tai nhau rằng muốn vượt biên thì chỉ cần qua khỏi phao số không là tới hải phận quốc tế, nơi không thuộc về VN và sẽ được tàu nước ngoài vớt lên, sẽ được tự do không bị bắt lại, v.v… Còn ngày nay thì nhiều người cứ nghe tới biển Đông thì lại nghĩ rằng nó là của riêng VN, hay thuộc về chủ quyền của VN, và có lẽ họ đã nghĩ rằng chủ quyền của VN phải kéo dài tới tận mép bờ biển Philippines.

Nguyên nhân có lẽ là do sự mơ hồ của người VN về các khái niệm pháp lý, mà ví dụ điển hình nhất là cho đến nay vẫn rất ít người hiểu được cặn kẽ về quyền của mình đối với chính mảnh đất mình đang ở, đâu là quyền sở hữu, đâu là quyền sử dụng, đâu là quyền định đoạt v,v… Ngay mảnh đất mình đang ở mà còn mơ hồ như vậy thì việc mơ hồ về chủ quyền của quốc gia về biển cũng là lẽ thường. Và việc cần làm với mỗi người có lẽ là nên tìm hiểu những khái niệm cơ bản nhất về luật biển chứ không phải là azua theo những trò dẫn dắt của truyền thông.

Về cơ bản, chủ quyền biển của mỗi quốc gia được áp dụng theo từng vùng, mà định nghĩa và quy cách của mỗi vùng đã được quy định trong luật biển. Các quyền của nước có biển sẽ giảm dần từ vùng trong ra vùng ngoài, cũng theo quy định trong luật biển.

 

Áp dụng cho biển Đông, dễ thấy rằng vùng đặc quyền kinh tế của VN (theo luật biển) thì không trùng với đòi hỏi chủ quyền như nhiều người VN vẫn nghĩ. Đòi hỏi chủ quyền của VN đã lấn sang vùng đặc quyền kinh tế (theo luật biển) của Philippiness và chồng lấn với đòi hỏi chủ quyền của các nước khác trong vùng. Và phần lớn quần đảo Trường sa nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của VN. Tất nhiên là ai cũng thấy rằng đòi hòi chủ quyền của TQ đối với toàn bộ vùng biển này là rất vô lý và ngang ngược, nhưng khách quan mà nói, với góc nhìn của các nước trong vùng, thì đòi hỏi chủ quyền của VN cũng tham vọng không kém TQ là bao.

 

 

Tất cả những điều trên đều có thể dễ dàng tìm thấy trên internet, cho những ai quan tâm có thể dễ dàng tìm và hiểu.

Nói thêm về vai trò của quần đảo Trường sa, Hoàng sa với chủ quyền biển.

Theo luật biển thì các đảo trong quần đảo Trường sa đều quá xa và quá bé, không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế. Mới nhìn thì đây có thể cho đây là điều không may vì đảo Trường sa lớn của VN (nằm ngoài vùng đqkt của VN) không giúp cho việc mở rộng vùng đqkt của VN. Nhưng nghĩ kỹ thì đó là may mắn, bởi nếu đảo Trường sa lớn mà được hưởng quy chế này thì các đảo lớn hơn, hiện đang do các nước khác chiếm giữ, cũng sẽ được hưởng vùng đqkt và tình hình sẽ trở nên không thể kiểm soát theo hướng rất bất lợi cho VN. Và người được hưởng lợi nhiều nhất khi VN cố gắng đòi hỏi chủ quyền biển dựa trên quần đảo Trường sa lại là TQ, với lợi thế lớn với khả năng mở rộng các đảo họ đang chiếm giữ và vị thế nước lớn của họ.

Cũng theo luật biển thì quần đảo Hoàng sa cũng không được hưởng quy chế đqkt riêng của nó. Chỉ có một vài đảo trong quần đảo này là có lãnh hải riêng, với chiều rộng 12 hải lý, còn phần lớn các đảo khác thì không. Có nghĩa là ngư dân VN hoàn toàn có quyền tự do đánh bắt hải sản quanh các đảo trong quần đảo này, ít nhất là giống như đánh bắt trên vùng biển quốc tế. Việc ai đó gắn cho hoạt động này một ý nghĩa như là việc thực hiện chủ quyền của VN với quần đảo Hoàng sa, dường như đã vô tình đặt vùng biển quanh quần đảo này vào vị thế tranh chấp cùng với quần đảo Hoàng sa, và điều này chỉ có lợi cho các ý đồ độc chiếm vùng biển này nói riêng, cũng như toàn bộ biển Đông của phía TQ nói chung.

Nhìn tổng thể, mặc dù đòi hỏi quá đáng của TQ đối với biển Đông ảnh hưởng đến VN nhiều nhất, nhưng có vẻ như các đối sách của phía VN, xuất phát từ những tham vọng quá lớn, đã không tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trong vùng và nhiều khi, không rõ vô tình hay cố ý, đã làm lợi cho phía TQ.

 

(Edited from Facebook)

Bình luận về bài viết này