Album ảnh

Về miền Tây

Tháng 10 – 2009.

Sài gòn đã vào cuối mùa mưa. Những cái lô cốt cứ mọc lên trên đường, dày đặc như một thứ bệnh dịch lan nhanh từ đường này qua đường khác, đè nặng lên cuộc sống của tất cả mọi người dân khiến tôi chợt nghĩ liệu đến một ngày nào đó nếu người Sài gòn không nhìn thấy lô cốt nữa thì người ta có thấy trống trải, hụt hẫng không? Chẳng biết cái ngày hạnh phúc quá đơn sơ ấy bao giờ mới tới, chứ cái cảnh đoàn người kẹt cứng trên đường vốn thường thấy hàng ngày ở các giao lộ thì nay đã có thể thấy ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào trên đường phố Sài thành. Tự nhiên tôi nảy ra ý định: Về mỉền Tây chơi, xem mùa nước nổi nó thế nào. Thế là xách xe máy lên đường.

Ngày thứ nhất.

Nỗi ám ảnh kẹt xe và đường ngập đoạn qua Bến lức khiến tôi chọn lộ trình đi tắt qua Đức hòa để tới Cao lãnh chứ không đi theo đường QL.1. Vậy nhưng qua ngã tư An sương, loanh quanh mãi ở Hóc môn, tôi vẫn không tìm được đường sang Đức hòa. Chạy lòng vòng mãi, khi tới Đức hòa và tìm được con đường mới mở từ Hòa khánh đi Thạnh hóa thì trời đã xế chiều. Phần thưởng cho cố gắng này là cảm giác được đi trên một con đường hầu như không một bóng người chạy dài suốt mấy chục cây số, qua những cánh rừng tràm nằm xen với những cánh đồng ngập nước mênh mông, lồng lộng gió dưới nắng chiều. Dường như tôi đã đi cách Sài gòn từ rất lâu, rất xa rồi.

Tới Thạnh hóa, niềm vui chấm dứt. Con đường mới mở này nhập vào QL.62 đi Mộc hóa. Nhiều đoạn đường đang sửa, bụi mù mịt. Người xe đi lại tấp nập, tuy không đến nỗi đông như ở SG nhưng với tôi thế là quá nhiều. Cũng may là đi chừng gần chục cây nữa thì hết đoạn sửa chữa (hay tới đoạn chưa sửa gì đó) và người, xe cũng thưa dần. Con đường chạy cặp theo một con kênh, tàu thuyền qua lại liên tục. Ở SG nhìn những chiếc xe buýt kềnh càng đi vào những con đường nhỏ đã quen, nhưng ỏ đây lần đầu nhìn thấy con tàu hàng trăm tấn chạy trong dòng kênh nhỏ làm tôi không khỏi lạ lẫm.

Lạ

Thị trấn Tân thạnh. Dãy nhà lụp xụp bên sông nay đã biến mất, một con đường đang được làm chạy ven kênh

Khi tôi đến được thị trấn Tân thạnh thì trời đã gần tối. Trời bắt đầu mưa, thế là đành bỏ ý định la cà vào quán cà phê nào đó xem cuộc sống về đêm ở đây thế nào. Cũng may trong thị trấn nhỏ này cũng có mấy cái nhà nghỉ, nếu không chắc phải chạy tiếp mấy chục cây số nữa trong đêm mưa, ra tận Cai lậy mới mong có chỗ nghỉ đêm.

Ngày thứ hai.

Trông oai phong như đô đốc hải quân?

Sáng hôm sau nắng rất đẹp, như không hề có trận mưa đêm hôm trước. Hỏi thăm đường về Hồng ngự thì người ta nói đường ngập hết rồi, thế là tôi chiếu theo cái bản đồ du lịch theo đường 847 để tới Cao lãnh. Dự định là đi Cao lãnh, nhưng đi được khoảng nửa đường thì thấy có tấm biển chỉ đường vào khu di tích Gò tháp, tôi liền rẽ vào. Qua Đồng tháp, nếu không đến được Đồng tháp mười vào mùa nước nổi thì ít nhất cũng phải biết Gò tháp ở đâu chứ?

Con đường vào Gò tháp nhỏ xíu, chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau nhưng lại được trải nhựa khá đẹp chạy dài hun hút theo bờ kênh hoặc vườn tràm, với những căn nhà lá đơn sơ, nhỏ bé hai bên. Đi khoảng hơn chục cây số, mấy lần hỏi thăm đường, tôi đã tới di tích Gò tháp. Một khu đất rộng, cây cối xanh um, xung quanh là mênh mang nước, chỉ còn nổi lên đây đó vài đoạn bờ bao hay cụm dân cư vượt lũ. Di tích Gò tháp chỉ còn lại một cái móng tháp  như kiểu Tháp Chàm nằm sâu dưới mặt đất, được xây kè xung quanh và bên trên là một khung nhà tôn rất lớn để che mưa nắng cho di tích.

Cũng trong khu đất này còn có vài ngôi đền hay chùa nữa nằm dưới những tán cây cổ thụ mọc san sát như một khu rừng trong truyện cổ tích. Từ một ngôi đền trong số đó vọng ra tiếng chuông, tiếng trống, tiếng nhạc như đang làm lễ. Chắc ở đây thường xuyên làm lễ và có nhiều người tham gia bởi tôi thấy cuối lối vào trong đền có mấy quán giải khát và rất nhiều xe máy dựng xung quanh.

Đi mãi theo con đường lát đá chạy ngang khu di tích mà chẳng thấy một tấm biển nào chỉ dẫn hay giới thiệu khu di tích, đến khi lại gặp một cái cổng chào lớn nữa tôi mới biết mình đã đi qua khu di tích rồi.

Con đường chạy qua khu di tích Gò tháp

Qua khỏi Thường xuân, trời bắt đầu chuyển. Cơn mưa đen nghịt đuổi sát nút phía sau, và khi thấy một nhà lồng chợ bên đường, vừa chạy vào thì cơn mưa cũng vừa ập tới. Mất hơn 2 giờ nằm gà gật ở quán cà phê võng trong lồng chợ, ngắm cơn mưa sầm sập bên ngoài mà sốt ruột và bực mình. Trời đã quá trưa, mưa vẫn không ngớt. Đành khoác áo mưa nhằm tới thị trấn Tràm chim cách đó hơn chục cây số nữa tìm quán ăn. Con đường chạy hun hút trong gió mưa, giữa một bên là vườn cây ngập nước, một bên là mênh mang nước ngập không biết đâu là kênh, đâu là đồng ruộng. Mặt nước đỏ ngầu, xa xa chuyển sang màu xám xịt hòa lẫn với màu trời. Những con sóng lớn từ ngoài xa chạy vào đập đùng đùng lên bờ cỏ, quăng quật không thương tiếc những chiếc xuồng nhỏ buộc ven đường.

Sóng gió đã tạm ngưng. Giữa mênh mang là nước, những người chạy ghe vẫn biết đâu là kênh, đâu là cánh đồng

Một góc thị xã Hồng ngự

Khoảng chừng 4 giờ chiều tôi đi qua Hồng ngự, thẳng tới bến phà Tân châu. Cơn mưa đã tan, bây giờ là một cơn mưa khác ở phía trước nên không đi nhanh được. Đến khi qua phà, sang tới thị trấn Tân châu thì mưa dứt. Bất chợt dâng lên một cảm giác thân quen đến lạ lùng, khi ngắm nhìn thị trấn nhỏ xinh đẹp ướt đẫm sau cơn mưa chiều – dù đây là lần đầu tiên tôi đặt chân tới Tân châu.

Qua Tân châu, còn cách bến phà Châu đốc chừng 2 cây số, những ngôi nhà san sát bám hai bên đường bắt đầu có những nét thay đổi cùng với sự xuất hiện của một xóm người Chăm. Những cô gái Chăm và những người phụ nữ Chăm đẫy đà trông rất khác với người phụ  nữ Chăm khắc khổ tôi từng thấy ở Bình thuận, và mấy thánh đường Hồi giáo của họ trông y như những thánh đường tôi đã từng thấy khi đi du lịch Malaysia, xem ra chẳng có liên quan gì tới những Tháp Chàm mà tôi vẫn thấy ở miền Trung. Giá như có điều kiện, hẳn một ngày nào đó tôi sẽ quay lại tìm hiểu kỹ hơn câu chuyện này.

Khi tôi lên phà sang Châu đốc thì trời sắp tối. Ráng chiều đỏ rực phía đầu sông, còn bên kia sông, thị xã Châu đốc đã lác đác lên đèn, xa xa đằng sau là những ngọn núi chơi vơi trên màn sương tím.

Tháng 6/2010

(Còn tiếp)

131 responses to “Về miền Tây

  1. Tem này không tem còn đợi tem nào? 😀
    Khuya về đọc sau, bác Cua nhớ!

  2. Tui cũng tem!

  3. Hay! Kể thiệt chi tiết nhưng mà cũng thiệt hay!
    “Bất chợt dâng lên một cảm giác thân quen đến lạ lùng, khi ngắm nhìn thị trấn nhỏ xinh đẹp ướt đẫm sau cơn mưa chiều – dù đây là lần đầu tiên tôi đặt chân tới Tân châu.” Biết đâu kiếp trước Cua chẳng ở nơi này 😀

  4. Tiếc thật đến đó mà không chụp được cái ảnh nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
    Hôm nọ mình và BT, ĐNS đi Phật tích mình thấy cũng có một cách bảo quản tương tự. Nền cũ của ngôi chùa 7- 800 năm tuổi được để nguyên dưới đất sau đó làm chùa mới lên trên. Khách có thể quan sát nền cũ qua một tấm kính rất dầy bằng cách nhìn xuống dưới đó. Dứới đó bật đèn rất sáng.
    Hôm nào đăng tiếp ký Miền Tây sự nhé.

  5. Người Chăm có nguồn gốc từ Nam Đảo anh ờ, dòng sống ở ven biển thì là ng Chăm, còn những người sống trên vùng cao nguyên Nam trung bộ và tây nguyên (mountainers) thì nhìn chung trang phục lễ hội rất đẹp và sặc sỡ (cái này em thích) múa hát cồng chiêng sống động. Ede, Jarai… đều có nguồn gốc từ người Nam đảo này. Cùng với sự nam tiến của ng Việt, ng Chăm cũng phải nam tiến (ợ) đến khi đạo Hindu không còn đủ để làm chỗ dựa tinh thần cho họ thì họ theo thêm cả đạo Hồi nữa. Em thấy chuyện gọi ng Chăm là “mán mường” là định kiến hẹp hòi và thô bỉ, vì nền văn minh của họ quá rực rỡ và ấn tượng. Nhìn cái giếng gạch vuông của họ mà xem, cũng là lấy nước , mà thân thiện, chứ không tròn sâu hun hút như cái miệng ngoác ra như giếng ở làng quê Việt, trông đe dọa chết được. Nhưng nhạc của họ thì buồn. Nghe nào não như thấy cả khí núi và tiếng quạ kêu. Do hòa huyết giữa Chăm- Việt là rất, rất lớn, lớp sau đè lớp trước, nên em e là trong Đô đốc Hải quân cũng có 1 phần nhỏ dòng máu Cham rồi cũng nên ấy ạ.

    • Cám ơn bác đã giải thích về người Chăm, nhưng có dịp thì tôi vẫn phải đi Châu đốc lần nữa vì chị em người Chăm ở đấy đẹp quá 😀 .
      Còn cái giếng tròn sâu hun hút tôi nghĩ là gần đây mới có thôi, chứ hồi tôi còn bé lên đền Hùng chơi (hồi đó khoảng năm 75, 76 gì đó) có nhìn thấy một cái giếng cổ, thành giếng xếp bằng đá, sâu chưa tới 1 mét, nước chỉ sâu chừng ngang đầu gối. Còn các giếng làng ở nông thôn (như ở quê tôi) thực ra chỉ là một cái ao có xây bậc lên xuống và chỉ dùng để lấy nước về để nấu ăn.

    • Thiên kinh vạn quyển, kính phục….thầy chùa

    • @nhachuaanchay: Làm gì có chuyện ai đó gọi người Chăm là “mán mường” nhỉ. Mán mường ở đây có lẽ người ta gọi người dân tộc Mán (hay còn gọi là dân tộc Dao) sống tập trung nhiều ở Hà Tuyên, Lào Cai… Dân tộc Mường (tập trung nhiều ở Hoà Bình, Thanh Hoá…).
      Còn người dân tộc Chăm (Chàm, Chiêm Thành, Hroi) là một dân tộc có truyền thống lâu đời xuất thân từ một quốc gia hùng mạnh. Họ có ngôn ngữ riêng, có văn hoá, nghệ thuật không thể trộn lẫn thì làm sao ai dám coi thường họ được?

      • Đây bác: ” Thươ ng cho cây quế giữa rừng – để cho thằng Mán thằng Mường nó leo” – xì xào của triều đình cùng dân gian, quanh đám cưới Huyền Trân, mang về cho Đai Việt 2 châu Ô, Lý, 3 cửa biển lớn và vựa lúa Điện Bàn, Quảng Nam

        • Chuyện ngày xưa buồn kười nhể?

        • Cái này để Mô xem lại, trao đổi sau với Nhachuaanchay.

        • @Nhachuaanchay: Như đã hứa với Nhachuaanchay là Mô sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề có hay không miệt thị người Chăm như Nhachuanchay đã đề cập. Sau khi tìm hiểu Mô thấy rằng hoàn toàn không có chuyện miệt thị đâu ạ.
          Có lẽ mọi người đều biết sau khi Huyền Trân làm hoàng hậu nước Chiêm Thành được một năm thì vua Chế Mân mất. Sợ em gái bị hoả thiêu theo phong tục của người Chiêm. Vua Trần Anh Tông đã cử võ tướng Trần Khắc Chung sang giải cứu. Trần Khắc Chung đã vờ tổ chức cho Huyền Trân làm lễ tế giữa biển để nhân cơ hội đưa Huyền Trân về nước.
          Còn câu: ” Thươ ng cho cây quế giữa rừng – để cho thằng Mán thằng Mường nó leo” không phải miệt thị người Chăm, mà dân gian đã đặt ra để ngụ ý nói việc tiếc cho Huyền Trần còn rất trẻ đã phải lấy một vị vua, hay nói đúng hơn là người chồng (một ông già) đã 70 tuổi.
          Còn Mô vẫn khẳng định lại rằng từ xưa đến nay dân tộc Chăm vẫn là một dân tộc luôn được ca ngợi bởi lòng quả cảm, dũng mãnh và từng là một quốc gia hùng mạnh.
          Có đôi lời trao đổi lại vậy, có gì không phải mong Nhachuaanchay thông cảm!

      • Bác Mô Rứa biết nhiều về người Chăm thế, có phải lòng cô người Chăm nào không vậy? Nếu không thì để em 😀 .
        Còn cái chuyện coi thường … ẹ hèm, khó nói lắm. Có phải ai cũng như anh em xóm mình đâu?

  6. Xuống đến miền tây thì tranh thủ thư giãn nhiều vào anh cua nhá, kẻo vài năm nữa các em nó lấy chồng đài và hàn hết thì muốn cũng chẳng có đâu

  7. Bác viết Miền Tây ký sự dở hơn dzợ thằng Đậu. Bác phải viết là càng đi bác càng thấy hân hoan khi quê hương thanh bình, đâu đâu cũng thấy người dân hiền hòa chất phát, quê hương ngày càng khởi sắc, cái ngèo khó của ngày xưa ngày càng đẩy… rộng ra chớ 😀

  8. Em hy vọng là cái còn tiếp mà bác mở ngoặc ở dưới là để nói về gái 😀

  9. Hê, thấy chiếc tàu đồ sộ len lỏi đi giữa kênh rạch bé tí mà bái phục anh tài công hén bác; lúc mới về quê, em đặc biệt ấn tượng cảnh đó! Đọc đoạn tả Châu Đốc mà ghiền nhớ mênh mang, lâu lắm rồi em không có dịp qua bển…

  10. He he, đọc không thua gì Mekong ký sự bác Cua hèo. Bác làm em nhớ chuyến ngang dọc miền Tây cách đây 5 năm của em.
    Tiếp tục hành trình đi bác! 😀

  11. Tiện đường bác nên chạy thẳng về Cà Mau, U Minh luôn cho nó đã!

  12. chờ phần 2 đó anh Cua!

  13. Về miền Tây thích thật bác Cua ạ. Khí hậu mát mẻ, cuộc sống êm đềm, người dân nghèo nhưng vẫn sống tạm tạm, không cần gắng sức vất vả như miền Trung, thế nên nhìn chung tính tình họ hiền hòa dễ mến. Em thích về miền Tây lắm.

  14. Cua đi nhiều hè? Tui đã từng nói với ai đó rằng: Đi nhiều biết nhiều, sướng nhưng khổ. He he… Rứa mà vẫn thích đi, lạ thế chứ!

  15. Anh Kua, em Xinh@ sao trên mạng ì xèo chuyện anh Hà Minh Thành – người gửi những bức thư viết về em bé 9 tuổi, những điều mắt thấy tai nghe từ Fukushima…là thế nào? em k rõ là chuyện gì chỉ nghe bên anh 3 Sàm nói ” vụ HMT” gì đó, em nghĩ anh ấy viết về những điều tốt đẹp chứ có gì đâu nhỉ?

  16. Cua đi miền Tây không ghé qua Sóc Trăng thắng cảnh, ở đó có đặc sản “muỗi” 😀

  17. Uống trà hâm lại chờ tập 2…

  18. Khà khà, bác gsts Hà đình Đức quả này teo chim rồi, mấy chục năm quen nghề chém gió….
    http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/15391/phat-hien-cu-rua-thu-hai-o-ho-guom.html

  19. Tương thân tương ái, chị ngã em nâng à la Vệ nè bà con
    http://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/15372/-hoi-cua–trong-vu-sap-mo-da-o-len-co.html

  20. “Ráng chiều đỏ rực phía đầu sống…”
    Khà khà, bác Kua chơi quả Tây du ký thật khoái, sắp có thơ rồi đây.
    Ct hỏi bác có thấy cái lô cốt nào trên kênh không?
    À, chuyến Tây du nhìn gái Khơ-me ni chắc là cảm hứng từ những bài của bạn Lý đây. Bác không tả kĩ kĩ các ẻm để bác Giao biết với. Chuyến đi này không rủ bác Giao cùng đi chắc là bác ý tiếc lắm.

  21. Một chuyến du lịch đầy thú vị. Nhưng đi một mình thì mất vui.

  22. HIc hic! không biết khi mô em mới về Miền Tây được?

  23. Small thích về miền tây du lịch lắm nờ! mới đọc tiêu đề tự nhiên nhớ đến bài hát về Miền Tây do Cẩm Ly trình bày rồi.

  24. Những cái lô cốt cứ mọc lên trên đường, dày đặc như một thứ bệnh dịch lan nhanh từ đường này qua đường khác, đè nặng lên cuộc sống của tất cả mọi người
    ______________________________
    Sao mà ghét đám phu lục lộ thế nhể, họ sinh ra để mà đào, mà lấp hay sao í

  25. Tiếp tục miền Tây du ký đi chớ đồng chí Cua

  26. Dõi theo cuộc hành trình của Cua Đồng với nhiều cung bậc cảm xúc thật là thú vị . Và chị bỗng dưng có ý nổi loạn : Giá mình không bận bịu với các cháu thì cũng du ngoạn một chuyến như thế .

  27. Nhớ miền Tây quá, nhớ tô canh chua ngó sen, nhớ Tân Châu, nhớ bến phà Châu Đốc, nhớ HồngNgự, nhớ sông nước miền Tây …
    Cảm ơn CuaĐồng đã cho NC về với miền Tây 😀

Gửi phản hồi cho cuadong2010 Hủy trả lời