Album ảnh

Luật đất đai với những khái niệm lạc hậu về “Tam Nông”.

(Giới thiệu với bà con bài viết của bác Đoàn)

Những năm gần đây, bà con ở nông thôn thường nghe chuyện liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà buôn – doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước được xem như một vế liên kết. Thật là ngộ nghĩnh khi cái nhà nước nói chung chung chỉ có nghĩa là chính quyền để thực thi những quyết nghị của quốc hội, HĐ nhân dân,… điều hành bằng ngân sách đầu tư, thuế khóa, luật lệ,… nhưng họ vẫn gọi là nhà như nhà cầm quyền, nhà đương cục thì thật quá khiên cưỡng như chuyện ba bộ đồng tình. Tuy vậy, nhà nông- nông gia đã là từ được chấp nhận rộng rãi, tuy không mấy ai có thời giờ tìm ra tận ngóc nghách.

Từ lâu, những năm ’60-’70 của thế kỷ trước, những sinh viên ngành Nông, Lâm, Súc khoa, Thủy sản trong Nam đều tham gia vào Câu lạc bộ Nông gia tương lai từ những ngày lơ ngơ đến với giảng đường. Nông khoa được hiểu là ngành đào tạo ra kỹ sư nông nghệ, nếu năm cuối học thêm một học kỳ kinh tế học thì tốt nghiệp ra kỹ sư công nghệ nông học. Lúc bấy giờ, ở Trung quốc cũng đã dịch thuật ngữ môn học kỹ thuật Hoa viên – Floriculture là nông nghệ viên học.

Hệ thống đào tạo cũng như nhận thức xã hội đương nhiên xem nông nghệ – nghề nông như các nghề khác, nông gia cũng như công thương gia, kỹ nghệ gia. Nông gia ý thức rõ ràng rằng nông nghệ là một ngành nghề kinh doanh các quy luật sinh học, có đầu ra là nông lâm thủy hải sản. Việc tổ chức kinh doanh các quy luật này cũng dựa vào tài nguyên sinh học là giống cây trồng, giống động vật và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như đất, nước, ánh sáng và không khí. Tất nhiên tri thức và kỹ năng của nhà đầu tư cũng như công nhân là nguồn tài nguyên nhân lực.

Đất trồng trọt, chăn nuôi thuộc ngành điền địa, đất trồng rừng, ao hồ, đầm phá đều thuộc ngành thủy lâm quản lý. Nên lớp chúng tôi thích từ ruộng đất, bao gồm đất nông nghiệp, đất xây dựng chuồng trại đồng cỏ chăn nuôi hơn là từ đất đai- bao gồm nhiều thứ đất và dễ bị lạm dụng khái niệm.

Nếu trước kia, miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất cho nông dân có ruộng cày thì miền Nam phải đến 1973 mới ra luật người cày có ruộng, trong chương trình hữu sản hóa nông dân. Nhưng cũng chỉ vài năm sau đó cả nước cùng bị chi phối bởi lý thuyết cộng sản cổ điển, trong đó đất nông nghiệp là của chung thuộc về nhà nước quản lý.

Sau khi quá trình hợp tác hóa không được nông dân miền Nam ủng hộ, kinh tế suy sụp, thiếu đói liên miên thì chính phủ mới nghĩ đến việc trả ruộng đất từ sở hữu tập thể về cho nông dân dưới hình thức giao khoán hay thuê lại (chỉ thị 100) chính mảnh đất của cha ông mình. Do đó, sự ra đời Luật đất đai 1993, rồi 2003 vẫn không thoát ra được những khái niệm, những cơ sở lý luận từ thời bị đô hộ.

Một quan niệm cũ rích của thời kỳ ’50, thuở theo Mao cải cách ruộng đất, nay vẫn còn tồn tại đâu đó trong tiềm thức những nhà lý luận cũng như những Viện nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp, có thể là do dấu vết sai lầm kinh hoàng của một thời quá đậm nét: Đất đai là tư liệu sản xuất… Nhưng thực chất đất cũng chỉ là một phần nhỏ trong các nguồn tài nguyên quốc gia được sử dụng trong sản xuất.

Trước những tiến bộ về nông nghệ, từ khoảng cuối những năm ’70, đất trồng ở các nước tiên tiến được xem như một thứ chất trồng, như một chất mang/ giá thể mà không có đất người ta vẫn canh tác được. Không còn là mô hình nữa khi mà nhiều nơi, nhiều nước đã trồng trọt trong dung dịch/thủy canh, cho năng suất cực cao như Do Thái trồng cà chua, chiếm một diện tích thao tác cực thấp, có thể trồng trọt trên các nhà tầng, núi đá. Chăn nuôi cũng có những bước tiến bề thế như vậy. Thế thì chỉ những nước nghèo, lạc hậu mới hiểu sai vai trò và giá trị của ruộng đất, lại càng bó buộc khiến nông dân không thể thoát kiếp thành nhà nông, trong một hình thái kinh tế xã hội trung cổ. Những cụm từ như “đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt” Thật khó giải thích đặc biệt chỗ nào, ngoài những ẩn ý không tích cực. Chẳng thế mà có đến vài ba trăm ngàn hec-ta đất trồng lúa quy hoạch treo cho gió và cỏ làm bãi thả diều; gần hai trăm sân gôn lớn nhỏ chiếm nhiều đất sản xuất dành cho một thiểu số người dư ăn dư để lui tới du và hí; bao nhiêu chỗ đất cao đồi đá không làm khu dân cư, khu công nghiệp mà nhất thiết quy hoạch bờ xôi ruộng mật rồi san lấp tôn nền nâng cốt. Lẫn lộn điền địa với đất đai mới có chỗ cho hàng trăm ngàn quan chức “giàu” bất minh, hàng chục ngàn vụ kiện tụng của dân oan bị cướp trắng miếng cơm manh áo. Sau Tiên Lãng lại đến Hưng Yên, Hải Dương, rồi cưỡng chế nhầm ở Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Bình Phước,… Chỉ 2 tháng đầu năm nay, chính phủ đã phải xuất 30.000 tấn gạo cứu trợ cho nông dân là vì sao ? Vì sao ở một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà người trồng lúa thiếu đói? Con số đó còn tăng nhanh như tin mới ở Thanh Hóa có gần 67.000 người đang thiếu đói ở phía tây, cần cứu tế khẩn cấp 1.500 tấn gạo,…

Việc giao lại ruộng đất hay cho thuê lại đất đều thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước được ủy quyền đại diện, các hợp tác xã chỉ còn bộ khung để bán điện nước, vật tư và theo dõi các việc giao nhận khoán, cho thuê,… Nhưng miền Bắc do đã qua một quá trình “hợp tác hóa”, ruộng đất bị xáo trộn kéo dài hàng chục năm, nên việc giao lại ruộng đất theo kiểu bình quân càng chia nhỏ vốn đất đai không lấy gì rộng rãi. Bà con nói đùa (như thật) là nhà có dăm đám ruộng ở mấy nơi, đám chỉ bằng chỗ con … chó dẫy chết, đám chỉ bằng cái l…té ngửa … Hi hi ! Mấy chục năm liền dồn điền đổi thửa chẳng đến đâu, các công trình bờ vùng bờ thửa bị phá tan, việc mang vác từ vai lại về vai thì mong gì dùng cơ giới vận chuyển cho nông dân bớt khổ? Mà khi về già các bác này không viêm thần kinh liên sườn thì cũng gai cột sống, thoái hóa khớp,…

Tình trạng chia vụn/ tế phân này không cho phép cơ giới hóa nông nghiệp trong trong một nền canh canh tác hàng hóa lớn- Đại nông canh tác. Người nông dân phải quay lại cách làm tiểu nông truyền thống: bán mặt cho đất bán lưng cho trời và cổ cày vai bừa như một loạt hình ảnh được giới thiệu ngay khi Chủ tịch nước đi cày hôm Tết vừa rồi.

Lễ tịch điền

Lễ tịch điền

Kéo cày thay trâu

Kéo cày thay trâu

Thế mà từ Nghị quyết 26, Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khóa X về nông nghiệp- nông thôn – nông dân, xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo An Ninh Lương Thực quốc gia vững chắc và lâu dài”…

Thực tế ở miềnNamđã có sự tích tụ nhanh ruộng đất thông qua sang nhượng để tiện việc canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, nhờ đó sản lượng lúa thường và lúa chất lượng cao không ngừng tăng lên. Các nông phẩm khác cũng vậy, càng ngày càng nhiều, càng tốt. Nhà nông như một nhà đầu tư kỹ thuật vào mùa màng, không vắt kiệt đất mà biết bồi dưỡng cho đất, vì đất có phân như thân có của, sẽ đem lại lợi nhuận về lâu dài cho họ.

Tới đây thì vấn đề hạn điền xuất hiện. Trước yêu cầu sản xuất nông sản hàng hóa mà chỉ hạn điền dưới 3 hec ta, thì nhà đầu tư nào đó có gan tổ chức được một tổ hợp lỏng lẽo hàng chục nông hộ với vài chục hec ta thì sản xuất được gì cho ra tấm ra món ? Không một nhà đầu tư nào chịu nhận lại kết quả là những nông phẩm không đồng đều về chất lượng do thực trạng ruộng đất và trình độ kỹ thuật chênh lệch, và không một khách mua hàng nào chấp nhận chuyện đó khi phải trả một giá ngang nhau.

Gần đây vấn đề thương hiệu gạo Việt lại rộ lên, do lúa mua từ nhiều nguồn, cùng giống nhưng chất lượng khác nhau, chưa kể lẫn lộn giống; dẫn đến việc biến chế khó khăn, bán giá thấp,… Mặt khác, những thị trường hấp dẫn không ai ăn gạo “luộc” như ta. Họ ăn gạo “đồ” bằng hơi nước, để hạt cơm vừa chín vừa dẻo thơm lại phải rời, để còn thêm các gia vị, các thức khác vào mà không nhão, chỉ để thưởng thức một chút bột thú vị,… Nhưng những giống lúa này nhà nước ta chưa quan tâm phát triển, và không nông gia nào dám đầu tư mạo hiểm vào nền sản xuất vẫn tiểu nông manh mún. Chính quan niệm và nhận thức về ruộng đất và nông nghiệp cũ kỹ như trên mới có chuyện hạn điền và trói buộc sản xuất.

Lý sự rằng nếu phá vỡ hạn điền thì sẽ xuất hiện giai cấp địa chủ mới, đó là ngụy biện. Trong môi trường pháp luật hiện nay, nhà nước làm chủ- đại diện toàn dân thì mỗi địa phương có hàng trăm địa chủ đỏ. Cả đồng bằng TâyNambộ nông dân đều là tá điền cho Tổng công ty Lương thực (theo tác giả Huỳnh Kim, Boxit.vn), mà thời nay cần phải thay bằng những nhà nông chân chính có đủ tri thức, kỹ năng làm chủ thật sự.

Ấy thế mà năm rồi lại nhắc: Đến nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã sơ kết 2 năm thực hiện và đề ra kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Phần lớn các địa phương đều chọn được xã điểm để tập trung xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí của Quyết định 491. Trong đó, đảm bảo quỹ đất trồng lúa được đặt lên hàng đầu.

Không ai còn có thể nghĩ đến từ nông thôn với hình tượng làng quê trong lũy tre xanh, càng không thể chấp nhận những nhà ống bên cạnh cây đa giếng nước đầu làng,… mà sự bó buộc ấy giống như quay về thời quá vãng, mặc xịp thôi nôi cho ông thanh niên lớn tướng. Canh tác lớn không còn rào cản cư dân-trang trại -địa giới hành chánh, như nói hộ anh Vươn không có hộ khẩu ở Vinh Quang, là kiểu nghĩ xưa… như thời các chị dùng vải xô thưa…

Người chủ – nông gia thời nay không bóc lột sức lao động vốn là nông dân kiểu cũ, mà còn phải bồi dưỡng sức lao động, còn chăm lo cho cả gia đình họ vì lợi ích lâu dài của giới chủ. Nông dân thiếu vốn, thiếu kỹ năng sẵn sàng cho thuê đất và yên tâm làm thuê. Trong khi đó hàng triệu thanh niên đang bán cực rẻ sức lao động trong các khu công nghiệp, mà biểu tình bị ngăn cản, rồi bị đè chết, đánh chết,… để làm giàu cho giới chủ nước ngoài, nhưng vẫn chưa có luật lệ gì chế tài hay can thiệp bênh vực (tối thiểu như luật Công đoàn).

Như vậy, Luật Đất đai (Ruộng đất) hiện hành không cho phép nghề nông ở Việt nam vượt qua nền nông nghiệp lạc hậu. Thời buổi mà ở Canada, ở Australia hay Mỹ,… nghe nói tôi là Nông gia/ Farmer có nghĩa tôi là triệu phú, là biết tổ chức canh tác 4-5 ngàn hec ta, mang lại nguồn lợi không nhỏ cho xã hội, việc làm cho bao người. Và chỉ khi nào có một bộ luật mới, cho phép sở hữu ruộng đất trong một thời gian dài hơn 3-5 mươi năm thì nhà nông/ nhà đầu tư vào nông nghệ sẽ mạnh dạn nghĩ đến những bước đi dài hơi. Nếu ở Đông Hiếu, Tây hiếu Nghệ An, Tây thực dân còn dám đầu tư trồng Lim, cần 150 năm mới thu hoạch, thì chế độ này chỉ dám giao rón rén 30 năm, 50 năm thế sao ? Trong lúc nhà nước cứ bô bô làm chủ muôn năm (!).

Hơn nữa, trong các điều khoản quy định về đất trang trại lại bất cậpvà rất bất công: Lợi dụng khe hở trong các chủ trương xây dựng nông trại, kinh tế trang trại đã khiến cho một số cán bộ chức quyền cả ở trung ương lạm dụng để sở hữu có đến hàng trăm, hàng ngàn hec ta đa số là chiếm đất rừng- làm cho sự phân hóa và mâu thuẫn ở khu vực sản xuất nông lâm ngày càng lớn. Hàng mươi triệu hec-ta đất trống đồi trọc, chủ yếu ở Bắc và Bắc Trung bộ do chính sách rừng do nhà nước quản lý, trong đó có hơn hai triệu hec-ta thoái hóa khó phục hồi. Viễn cảnh lũ chồng lũ, ngập mặn do suy kiệt nước ngầm,… cũng từ đó mà ra.

Cuối cùng, trong loạt những ý kiến nhỏ này, tôi đề nghị những người soạn luật nên quan niệm hiện đại hơn, ta không theo đường lối tam nông với nông nghiệp-nông dân-nông thôn như “bạn vàng” TQ, mà nên nghĩ đến một đẳng cấp cao hơn: Nông nghệ- nông gia- nông trang. Có như thế các nhà nghị sĩ mới biểu quyết ra được những đạo luật hiện đại, hòa nhập với bước tiến của kinh tế thế giới.

Cũng có thể lưu ý rằng, điều mà anh bạn “làm bốn tốt, tứ cú vàng” lo ngại hơn cả là thằng đàn em nó dám nghĩ dám làm, dám đi trước mình e rồi nó dẫn lộ mình. Nếu ta chơi đẹp đúng đạo lý với gia đình Vươn thì tự khắc hàng ngàn Ô Khảm sẽ bùng phát trên đất “bạn”, ta sửa luật đất đai sẽ bị quan thái thú thày dùi đe dọa các cậu “tây hóa”, đi vào lối mòn giẫy chết,… không chừng.

SÀI GÒN, 12/3/2012                                                                             

ĐOÀN NAM SINH

74 responses to “Luật đất đai với những khái niệm lạc hậu về “Tam Nông”.

  1. Nhà nước liên kết nhà buôn
    Nhà nông cưỡng lại vào luôn nhà tù .

  2. Đậu ơi, Đậu, từ giờ Đậu hông còn là Thằng Đậu nữa, mà là Nông gia Đậu. Nhà mình là Đậu Nông Trang (nghe sang ớn). Mơi, Đậu dắt thằng Bắp, thằng Gạo ga đồng dạy nông nghệ cho nó nghen.
    Từ nay mình đổi đời gồi. Dễ ẹt. 😆

  3. Bác Đoàn.

    Có chuyên thế này, đã lâu, thời nông dân Mỹ còn ít học, cả tin. Có một nông dân làm ăn hoài mà chẳng thấy khá nên quyết chí đi lên thành phố tìm tòi coi có cách chi thoát đói giảm nghèo.

    Trên xe Bus, Ông nghe thấy hai cô gái đẹp, tóc vàng, mắt xanh, mỏ đỏ nói chuyện với nhau. Một cô nói : Hy vọng tháng này khá hợn Thang rồi tao bị tổ trác, cầm về được có ngàn rưởi đô. Ờ,cô kia đáp, tao khá hơn,được ba ngàn.

    Người nông dân không biết mấy cô này làm nghề gì mà kiếm nhiều tiền thế. Nhà Ông 4 lao động mà cả năm chỉ kiếm được 4-5 ngàn đô là may. Lắng nghe mãi cũng không biết gì thêm, Ông chờ hai cô gái xuống xe, quay hỏi người khách ngồi bên cạnh. Ông có biết hai cô đó làm nghề gì mà kiếm tiền nhiếu thế không. Chúng nó cho thuê lông. Người kia đáp.

    Đọc trên báo thấy chị em ta sang du lịch dài hạn khu đèn đỏ các nước láng giềng ngày càng nhiều. Coi bộ nhà nước ta đã làm chủ được kỹ thuật trồng, kinh doanh long , nay chỉ tìm thị truòng và ngồi đếm bạc.

  4. Tem số 14 , đọc sau nhé anh Đoàn Nam Sinh và anh KuA!

  5. iem không đọc dưng cứ còm đấy !nàm gì nhau? 😆
    Thế tức nà chúng ta phải kiếm đâu ra vài chục Bác KIM NGỌC nữa ,Bác Đoàn với bác Cua nhể? 😆

  6. Em thì em đếch biết chính sách tam nông của ” bạn vàng” thành công hay thất bại ở nước họ. Em chỉ biết nó được áp dụng ở mình ví như là đứa con ngoài giá thú lại còn bị đao nặng.Bỏ thì thương vương thì thiệt, nên khó bỏ lắm bác Đoàn ui!

  7. cướp biển đẹp giai có cái blog trông dào dạt gió nhỉ. Mênh mang ghê…

  8. Giá mà thay vì từng đầu tư vào Vinashine số tiền khổng lồ đó mà đầu tư vào “nông hải sản”- thế mạnh của VN- thì hay biết mấy nhỉ?

  9. Trân trọng mời bác Kua và tất cả bạn bè của bác sắp xếp thời gian ghé thăm nhà Dân Cổng Chốt hỉ.
    Nhà mới,cửa ngõ chưa mần xong,chịu khó đi vòng qua nhà bác Trà Hâm Lại nha.

  10. Em chẳng hiểu lý do gì mà tự nhiên các chủ tích nhà mình lại cứ thích biểu diễn trò đi cày!
    không lẽ điều đó để chứng tỏ là ta quan tâm đến nông nghiệp ..muốn phát triển nông nghiệp, có thể chẳng cần các vị phải xắn quần lội ruộng thế làm gì, còn gây một khoản tốn kém nữa cơ!
    hãy bảo vệ ruộng đất cho người nông dân, bảo hộ cho họ và đưa đến cho người nông dân những điều kiện thuận lợi hơn!
    Các bác biểu diễn một năm một lần vậy chứ cả chục laanc ũng chẳng ăn thua! hay là thôi không trả lương cho các bác nữa mà khoán ruộng cho các bác, yêu cầu tự cày cấy để có lương thực ăn và các chi tiêu khác…em nghĩ chỉ có khi họ thực sự sống trong tâm trạng của người nông dân thì mới hiểu người nông dân cần gì, chứ biểu diễn thì chỉ là biểu diễn mà thôi!năm trước cũng biểu diễn một lần rồi mà có thấy khấm khá hơn gì đâu!

    • Hàlinh lạc hậu thật, đây là lễ tịch điền, là một nét đẹp của truyền thống văn hóa từ ngàn xưa để lại. Các CT làm thế để thể hiện sự quan tâm ưu ái tới ba nông, thể hiện sự tiếp nói truyền thống, thể hiện sự dân tộc-hiện đại, thể hiện sự v.v… 😆
      Không khấm khá hơn là do thiên tai, do KT toàn cầu (của bọn TB) …

Gửi phản hồi cho cua đồng Hủy trả lời