Album ảnh

Tản mạn về người anh (2) …

Lòng tham lam, có thể nói là vô độ, thái độ hung hãn và cung cách lật lọng, tráo trở, nói một đằng làm một nẻo của người anh 16 chữ vàng được thể hiện không chỉ riêng trên biển Đông trong thời gian qua, cùng với những chuyện bầy nhầy bê bối do anh gây ra trên khắp quê ta, hiển nhiên đã làm cho rất nhiều người, nếu không muốn nói là đa số dân quê ta, có ác cảm thậm tệ với anh.

Tuy nhiên, nếu vì thế mà cho rằng đất nước của anh chỉ gồm toàn những người xấu xa,  rồi từ đó xem thường, thậm chí ác cảm với những người dân Trung quốc bình thường, thì có lẽ đó là một sự bất công không đáng có, nhất là đối với một dân tộc vĩ đại, ít nhất thì cũng vĩ đại bằng dân tộc quê mình.

Không nói nhiều về những chuyện xưa, như chuyện quê ta tự hào với truyền thống lịch sử 4000 năm văn hiến của mình – trong đó gần một nửa thời gian là dựa theo dã sử, thì anh cũng có một nền văn minh Hoa Hạ với nhiều phát kiến đáng khâm phục về triết học, khoa học từ hơn 4000 năm trước – chỉ tính từ thời nhà Hạ, không kể tới thời đại của Tam Hoàng, Ngũ đế trước đó, được khẳng định bởi các kết quả khảo cổ và sau này được ghi lại thành sử sách bằng chính chữ viết do anh sáng tạo ra. Hay chuyện chữ viết của anh đã được tạo ra từ cách đây khoảng 3000 năm và sau đó được truyền bá sang nhiều nước láng giềng, và có ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành chữ viết ở các nước đó. Hay một điều nữa, nền văn minh Hoa Hạ của anh được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Hồ Bắc, phía bắc hồ Động đình, còn quê hương – theo quan niệm ngày nay –  của người được cho là ông tổ của người Việt, đức Lạc Long Quân, lại liên quan tới tỉnh Hồ Nam, phía nam của hồ này.

Chỉ nói riêng về chuyện ngày nay, có lẽ cũng nên có một cách nhìn công bằng hơn khi đâu đó đã phát sinh và nuôi dưỡng những mối ác cảm với người dân Trung quốc, hay cụ thể hơn, với người Hoa trên quê ta. Kể cả khi những phiền toái mà những lao động nhập cư người Hoa mang theo vào quê ta gần đây là có thật, thật như những gì mà nhiều người đi lao động xuất khẩu ở quê ta đã mang theo ra nước ngoài.

Có một thực tế là đa phần người quê ta thường có chung một tâm trạng rất tự hào mỗi khi nghe thấy đâu đó trên thế giới có một người Việt, hoặc gốc Việt, hoặc lai Việt nào đó trở nên nổi tiếng vì thành đạt, và thường nhận thấy mình với người đó có những mối liên hệ đầy tính thiêng liêng, như về dòng máu, hồn dân tộc v.v… Và từ sâu trong lòng, dù có thể không nói ra, thì rất nhiều người quê ta vẫn sẽ cảm thấy chạnh lòng, thậm chí không vui khi nhìn thấy một người Việt ở nước ngoài, nhất là người Việt thành đạt, lại đi thể hiện lòng biết ơn với nơi đã cưu mang mình và tỏ ra là một công dân tốt của nước sở tại hơn là một người con hết lòng hết sức vì quê nhà, bất kể họ hay gia đình họ đã phải rời khỏi VN vì lý do gì.

Mang theo tâm thức đó áp vào người Hoa đang sống trên quê ta, nên rất dễ hiểu khi thấy người quê ta thường có tâm lý nghi kỵ tồn tại dai dẳng trong lòng đối với người Hoa, như thể họ là những người ăn ở hai lòng mà quên đi những điều đáng nói khác.

Thứ nhất, không phải chỉ có người Hoa là dân tộc duy nhất trong số 55 dân tộc ở quê ta có dính dáng tới Trung hoa. Có thể kể tới dân tộc H’mông, trước đây thường gọi là người Mèo, cũng là dân tộc Miêu theo cách gọi của Trung quốc. Cho tới gần đây, người H’mông (hay Miêu) sống ở gần biên giới vẫn đi qua lại sinh sống hai bên đường biên mà chẳng quan tâm đến việc mình đang sống ở đất Trung quốc hay đất VN, hoặc nghĩ xem mình là người VN hay là người Trung quốc. Hoặc người Tày, người Nùng ở quê ta được bên Trung quốc gọi là dân tộc Tráng, rồi người Thái, Dao, Hà nhì, La hủ v.v… tất thảy đều có dân số sống bên Trung quốc lớn gấp bội dân số sống ở quê ta. Và người Kinh ở Trung quốc, dù dân số chỉ khoảng hơn hai chục ngàn người, ít hơn nhiều số lượng Việt kiều tại Mỹ, nhưng vẫn là 1 trong số 56 dân tộc của Trung quốc, vẫn thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện như mọi người Trung quốc khác.

Thứ hai, người Hoa sang quê ta không chỉ bằng con đường đi xâm lược. Từ thời Lý, Trần đã có nhiều người Hoa, cả quân lẫn dân đã chạy sang quê ta để trốn khỏi sự xâm lược từ phương Bắc của đất nước họ, và rất nhiều người trong số họ đã tình nguyện đứng dưới cờ các tướng lĩnh quê ta khi đó, để cùng tham gia chiến đấu chống kẻ thù chung. Rồi sau này, từ thế kỷ 17 là những làn sóng di dân của người Hoa do không sống được với nhà Thanh, hay do loạn lạc, hoặc do cuộc chiến Quốc – Cộng ở Trung quốc và chính họ đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang đất phương Nam của triều Nguyễn. Với những thành công nhất định do bản tính cần cù, khôn ngoan, đoàn kết, cùng với bản sắc cũng như cách làm ăn rất riêng, đậm nét văn hóa người Hoa, họ đã để lại những dấu ấn có ảnh hưởng không nhỏ trong việc tạo nên bộ mặt của Hà nội, Hải phòng ngày xưa hay Sài gòn – Chợ lớn, Đồng nai, Sóc trăng và vài nơi khác hiện nay.

Không chỉ sang quê ta, người Hoa còn chiếm tới gần 80% dân số Singapore. Đây là một nước nhỏ, nhỏ nhất trong các nước Đông Nam Á, nhưng lại là một nước có nền công nghiệp, KHKT, giáo dục rất phát triển và có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng về quân sự cũng như về kinh tế, một vị trí mà chắc nhiều quốc gia khác thèm muốn. Tuy chỉ là một nước rất nhỏ so với Trung quốc, lại có đa phần dân số là người Hoa, nhưng không giống như nỗi nghi ngại về nguy cơ có thể có từ người Hoa mà người quê ta vẫn bị ám ảnh ở nước mình, đất nước Singapore (ít nhất là bên ngoài) vẫn giữ được một mối quan hệ rất độc lập, tự chủ và bình đẳng với Trung quốc.

Công bằng mà nói thì nếu như không có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt 4/16, không có những chuyện định hướng dư luận, cũng như những chính sách dành cho người Hoa ở cả hai miền trước và sau chiến tranh v.v… thì có lẽ người Hoa cũng không đến nỗi bị người dân quê ta có ác cảm như thế. Có rất ít lý do để tin rằng mọi người Hoa đều là một người lính tiềm tàng trong “đội quân thứ năm”, một khái niệm chắc là được sinh ra trong cuộc “chiến tranh nhân dân”. Cũng như rất khó để biết sự thật, rằng chẳng hạn người Hoa đã bị “bài xích, xua đuổi” ở quê ta như CP Trung quốc từng nói năm 1978, hay là họ bị chính quyền TQ “lôi kéo, xúi giục” về nước như CP quê ta tuyên bố cùng năm đó, nhưng dễ thấy rằng dù ai nói đúng thì người Hoa cũng vẫn đã trở thành một lá bài bất đắc dĩ, và rất nhiều người trong số họ đã phải bỏ lại cả sản nghiệp, thậm chí người thân vì những trò chơi chính trị mà nếu nhìn vào những nguyên nhân khiến cha ông của họ từng phải chạy sang quê ta, hẳn người ta có đủ lý do để tin rằng đa số họ không muốn tham gia.

Yêu ghét là quyền của mỗi người, và trong cuộc sống hẳn nhiên không phải lúc nào cũng cần phải rạch ròi vì sao yêu cái này, vì sao ghét cái kia. Nhưng cũng nên có những tình cảm yêu ghét cần phải dựa trên những suy xét thấu đáo chứ không phải từ sự a dua hay từ những định kiến vô căn cứ, nhất là khi nó ảnh hưởng tới người khác và từ đó, ảnh hưởng tới ngay cả bản thân mình. Hình ảnh xấu xí của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và những hậu quả của nó ở nhiều nơi trên thế giới cũng có thể xem như là một lời nhắc nhớ.

Tháng 10/2012

Tham khảo:

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93ng_B%C3%A0ng

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Hoa_(Vi%E1%BB%87t_Nam)

71 responses to “Tản mạn về người anh (2) …

  1. Xin “đặt cục gạch”.

  2. Bác Đoàn Nam Sinh và bác Cua: Em xin phép nói tiếp chuyện còm của bài cũ qua entry này:
    Về chuyện Mạc Ngôn đạt Nobel Văn chương 2012, có bài này rất lý thú, kính mời các bác xem qua:

    Nobel văn chương 2012, một giải thưởng nhiều tranh cãi
    Giải Nobel văn chương năm nay được trao cho Mạc Ngôn, nhà văn Trung Quốc. Không có giải thưởng nào làm hài lòng mọi người. Tranh cãi ngay sau khi giải thưởng được công bố là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần này, những tranh cãi không tập trung vào chất lượng nghệ thuật mà chủ yếu vào thái độ chính trị của người được giải. Hơn nữa, những tranh cãi ấy chủ yếu là giữa những người Trung Quốc với nhau.

    Sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân tại Sơn Đông, Mạc Ngôn lớn lên trong giai đoạn Cách mạng văn hóa tàn khốc của Mao Trạch Đông; một giai đoạn hẳn đã để lại cho ông nhiều kinh nghiệm cay đắng. Nhưng ông nhanh chóng vượt qua chúng để thích ứng với không khí chính trị ở Trung Quốc: Ông đi bộ đội, học ở Học viện nghệ thuật Quân Giải phóng và trở thành một cán bộ khá cao cấp trong Cục chính trị thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội. Hiện nay ông là Phỏ chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.

    Với những chức vụ như thế, rất dễ hiểu, Mạc Ngôn được xem là một công thần của chế độ. Nhiều người cho là ông hèn. Không chừng chính cái bút hiệu ông chọn cũng nói lên điều đó: Mạc Ngôn, trong chữ Hán, có nghĩa là không nói. Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ báo El Pais bằng tiếng Tây Ban Nha năm 2008, ông kể:

    “Tôi chọn cái bút hiệu ấy để nhớ những năm tôi không thể nói lời nào với ai khác. Đó là những ngày hỗn loạn của Cách mạng văn hóa, khi trong làng của tôi lúc nào người ta cũng xung đột với nhau. Bố tôi là một nông dân, nhưng gia đình tôi sống khá thoải mái; ông sợ tôi nói năng bậy bạ có thể gây phiền phức cho gia đình. Bởi vậy, ông bảo tôi đừng nói gì cả; cứ làm như một thằng câm.”

    Chọn bút hiệu Mạc Ngôn vì một bài học sợ hãi từ bố. Nhưng sau đó, Mạc Ngôn lại nâng sự khuất phục lên thành một thứ chủ nghĩa anh hùng. Trong bài nói chuyện tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2009, ông kể chuyện: một hôm, Beethoven và Goethe đang đi dạo trên đường phố thì gặp một nhà quý tộc đi ngược chiều; Beethoven tiếp tục rảo bước, còn Goethe thì ngả mũ chào. Mạc Ngôn nói tiếp:

    “Lúc còn nhỏ, tôi nghĩ Beethoven thật vĩ đại. Nhưng, khi lớn tuổi, tôi nhận ra là việc làm của ông thật dễ dàng, trong khi đó, làm như Goethe thì có thể cần nhiều can đảm hơn.”
    Trong các bài báo bằng tiếng Anh tôi đọc được, không thấy ai dẫn thêm lý do tại sao Mạc Ngôn lại cho việc Goethe ngả mũ chào một nhà quý tộc mà ông không thích lại là một hành vi can đảm.

    Tuy nhiên, khó có thể nói cách hành xử của Mạc Ngôn tại Hội chợ sách Frankfurt năm 2009 ấy là can đảm khi ông và các cán bộ khác bỏ ra khỏi phòng hội nghị phản đối khi một số nhà văn lưu vong người Hoa chuẩn bị lên phát biểu.

    Cũng không can đảm chút nào khi, khá gần đây, cùng với một số cây bút khác, ông chép tay lại bài nói chuyện về văn nghệ của Mao Trạch Đông tại Diên An năm 1942 để làm thành một “ấn bản đặc biệt” để tưởng niệm cái biến cố đầy tai tiếng ấy. Đó chính là cương lĩnh văn học nghệ thuật chật hẹp và đầy tính giáo điều đã gây tai họa cho văn học Trung Quốc cũng như cho cả văn học Việt Nam trong suốt cả hơn nửa thế kỷ.

    Càng không can đảm chút nào khi, thay vì lên án chế độ kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc, Mạc Ngôn, trong nhiều bài phát biểu và phỏng vấn khác nhau, luôn luôn tìm cách biện hộ cho nó.

    Ví dụ, trong bài phỏng vấn trên báo Times năm 2010, ông cho kiểm duyệt là chuyện chả có gì đáng làm ầm ĩ vì “ở nước nào cũng có một số sự kiềm chế đối với việc viết lách.”
    Lúc khác, ông lại phát biểu: “Tôi tin các hạn chế hay kiểm duyệt là điều tốt cho việc sáng tạo văn chương” vì “một trong những vấn đề lớn nhất của văn chương là thiếu sự tinh tế.” Kiểm duyệt sẽ khiến nhà văn tìm cách “chôn sâu tư tưởng của mình và chỉ gửi gắm chúng qua các nhân vật trong tiểu thuyết”.

    Có lúc, trước sự phê phán của nhiều người, ông tìm cách biện minh:

    “Một nhà văn nên bày tỏ sự phê phán hay bất bình của mình trước các góc tối trong xã hội cũng như những sự xấu xa trong bản tính của con người, tuy nhiên, chúng ta không nên dùng một kiểu diễn tả giống nhau. Vài người có thể sẽ xuống đường gào thét, nhưng chúng ta cũng nên bao dung đối với những người trốn trong phòng kín và dùng văn chương để bày tỏ ý kiến.”

    Với nhiều người, đó chỉ là một cách nói. Họ vẫn cho Mạc Ngôn chọn con đường dễ dãi và an toàn nhất trong một chế độ độc tài và độc ác. Bởi vậy, những người phản đối giải Nobel dành cho ông kịch liệt nhất chính là các đồng hương và đồng bào của ông.

    Cách đây mấy ngày, chỉ nghe tin đồn phong thanh là Mạc Ngôn có tên trong danh sách được chọn, nhà văn Yefu đã tuyên bố: “Giải Nobel không nên trao cho một nhà văn chỉ biết ca tụng chế độ chuyên chế. Đó là một nguyên tắc thiết yếu.”

    Sau khi giải Nobel được công bố, nghệ sĩ Ngải Vị Vị phát biểu: “Đối với một nhà văn đương đại, tránh né các vấn đề rõ ràng của cuộc đấu tranh của ngày hôm nay là một cái gì không thể bàn cãi được. Tôi không thể tách rời văn chương ra khỏi cuộc đấu tranh của dân tộc.”

    Rồi ông nói thêm: “Tôi không chê trách Ủy ban giải Nobel, nhưng [quyết định trao giải cho Mạc Ngôn] đã gửi một tín hiệu phản ánh một khẩu vị thật kém cỏi (bad taste).”

    Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ sử dụng giải Nobel văn chương dành cho Mạc Ngôn như một công cụ để tuyên truyền không những cho chính sách văn học nghệ thuật của họ mà còn để củng cố vị thế nước lớn của họ: Họ đã mạnh về kinh tế và quân sự, nay, họ còn chứng tỏ cả sức mạnh trong cái giới nghiên cứu thường gọi là “quyền lực mềm” mà một siêu cường quốc cần có.

    Nên nhớ đây là giải Nobel đầu tiên mà Trung Quốc hoan hỉ đón nhận. Trước, giải Nobel văn chương dành cho Cao Hành Kiện (năm 2000) không làm họ ưng ý: một phần vì, lúc ấy Cao Hành Kiện đã vào quốc tịch Pháp, do đó, không còn là nhà văn Trung Quốc nữa; phần khác, về tư tưởng, ông tự xem mình và cũng được mọi người xem là một cây bút ly khai. Giải Nobel hòa bình trao cho Lưu Hiểu Ba (năm 2010), một tù nhân lương tâm đang bị Trung Quốc giam giữ lại càng làm cho Trung Quốc giận dữ.

    Chỉ có món quà dành cho Mạc Ngôn là ngọt ngào.

    Cho những tên cai ngục.

    (Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/nobel-van-chuong-2012-mot-giai-thuong-nhieu-tranh-cai/1525788.html)

    • Phay Van: Thực ra bản thân nhận định “Không có giải thưởng nào làm hài lòng mọi người. Tranh cãi ngay sau khi giải thưởng được công bố là chuyện bình thường. Tuy nhiên, lần này, những tranh cãi không tập trung vào chất lượng nghệ thuật mà chủ yếu vào thái độ chính trị của người được giải” đã nói lên khá đủ những gì cần nói rồi.
      Những người trao giải có những tiêu chí riêng của họ, và giải đã được trao. Giải cũng chỉ phản ảnh quan điểm của một số người về một lĩnh vực riêng nào đó và không thể là một cái dấu chất lượng đóng lên cho một chế độ nào.

  3. VN mình có cái ông thợ làm thơ gì đấy (TMH thì phải?) ca tụng đây là chuyện xứng đáng, sau thấy giới truyền thông nhiều kẻ chê mà ít kẻ khen, ông lại viết thêm bài nữa với một sự chống chế rất yếu ớt. Hi hi.
    Buồn cười!

  4. đúng rồi anh KuA, cái nào ra cái nấy chứ, ở gần nhà em cũng có bao nhiêu người Hoa sinh sống, tần tảo, lam lũ lắm…

  5. Ầy, tôi thật ngạc nhiên và sau đó là vô cùng tán thưởng bài viết này của đ/c Cua. Quan điểm của tôi cũng vậy, phải rõ ràng, cái gì ra cái nấy, không lẫn lộn Tuy vậy, tôi chẳng thể đủ sự kiên nhẫn tổng kết đúc rút vấn đề như đồng chí. Thay mặt cho tôi, nhiệt liệt biểu dương đ/c. Đồng chí rất xứng đáng ( xứng đáng đếch gì thì tự nhận rồi viest ra , nhớ!). 😀

  6. Ai lại vừa xoa vừa đấm như cướp biển ấy nhở !
    Mới đọc cái tít cứ ngỡ chú viết về ông anh cùng cha cùng mẹ, đọc thêm mấy dòng thấy chán ông anh .
    Chào Kua, Kua chịu khó đúc rút kinh nghiệm cho bà con nhờ 😆

  7. “(…) người quê ta thường có tâm lý nghi kỵ tồn tại dai dẳng trong lòng đối với người Hoa”, không hiểu bác Cua nói “người quê ta” đây là ở đâu? Từ nhỏ đến giờ, em vẫn sống trong nước Việt và chưa hề bị người quê ta kỳ thị bao giờ; họa chăng chỉ là có bị các viên chức mỉa mai châm biếm về cái thành phần dân tộc của mình.
    Trước 1975, em vẫn chơi đùa với các bạn Việt. Chúng nó hay chọc: “Các chú Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy”, nhưng cứ hễ có trò gì vui lại rủ em cùng chơi. Đến giờ mà chúng nó vẫn còn nhớ em, hôm bà nội em mất, chúng nó xuống cả một bầy…
    Giải phóng rồi thì người ta không gọi chúng em là Ba Tàu nữa, mà tôn xưng cách trang trọng là “người Hoa”.
    Cuộc chiến 1979 với Trung Cộng, bọn người Hoa này mới thật là khốn khổ. Sự nghi kỵ của nhà cầm quyền đối với chúng em mới thái thậm vô lý. Người ta không chịu hiểu rằng, đối với dân Ba Tàu miền Nam thì Trung Nam Hải là bọn man rợ vô nhân tính, chúng em sẵn sàng cầm súng chống lại chúng! Và người ta dồn ép đến mức chỉ suýt chút nữa thôi là em đã gia nhập hàng ngũ Trung Cộng để rửa căm hờn uất nhục do bị đè nén đủ điều…

    • Bác Cua và bác Ly: có một loạt những bài bên DLB viết về một cộng đồng người Hoa sống ở biên giới Việt Trung, trên đất TQ thì đúng hơn (vì đã được nhượng). Họ nguyên gốc là Ba Tàu ở VN, sau 1979 bị cả hai bên Việt – Hoa nghi kỵ, bên nào cũng tưởng họ là gián điệp. Họ sống nghèo nàn, không có ID, không có một quê hương, vì cả hai thằng (Anh và Em) đều từ chối họ. Họ bị xua đuổi trên mảnh đất cha ông (Tàu và Việt, hiểu cái nào cũng đúng, anh em mà, hihi)
      Hai bác có đọc loạt bài này chưa?

    • Bác Lý: bác không cảm thấy sự kỳ thị từ đám bạn là đúng rồi, vì trẻ con rất trong sáng mà 😀 . Hơn nữa người trong Nam ít kỳ thị người Hoa hơn vì bản tính rộng rãi, hào sảng hơn người Bắc.
      Tôi hiểu và đồng cảm với tâm lý “chỉ suýt chút nữa thôi là em đã gia nhập hàng ngũ Trung Cộng để rửa căm hờn uất nhục do bị đè nén đủ điều…” của bác. Đó là một điều rất thật, khá phổ biến và là một vết nhọ của đám đông do cái tính nhỏ nhen dân tộc cực đoan gây ra.

  8. Một hôm, nhóc nhà mình lên tiếng về vụ quá khích bài Hoa, rằng thì Hoa cũng là một dân tộc. Hiển nhiên là cậu ấy đúng, vì tinh thần dân tộc hẹp hòi sẽ không chấp nhận một dân tộc nào khác hơn mình hay có ảnh hưởng gì đó đến dân tộc mình dù là văn hóa hay kinh tế.
    Mình thực sự chia sẻ với cụ Lý về chuyện thái độ thù địch, nghi ngờ khắp cả mọi người thời chiến tranh Việt Trung, như thế là bất công và tàn nhẫn. Lúc đó mình phát biểu trong chỉnh huấn là không đồng tình với cách đặt vấn đề của TWĐ xem TQ là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm,… Hậu quả là mình bị kiểm điểm gay gắt, bãi chức vì trọng tội không tin tưởng vào đường lối của trên. Thậm chí là có chỉ thị xem xét lai lịch họ Đoàn này có nguồn gốc Đại Lý không nữa. He he.
    Phải nói công bằng rằng ngay ngày giải phóng, mình cùng đi với một đoàn vào nhà hàng khách sạn Arc-en-Ciel (sau này đổi tên thành Thiên Hổng) thấy toàn cờ xích diện ngũ hành tinh. Nhiều nơi cũng có sự chỉ đạo người Hoa phản kháng lại chính quyền mới bằng nhiều cách, nhất là với các Ban vận động Hoa kiều sẵn từ trước. Sự mặc cảm và hiềm khích ngày càng tăng cao vì một số vụ việc dẫn đến cả hai bên đều có sự bất đồng. Trong đó bộ máy Hoa đỏ rất mạnh.
    Nhưng khi xảy ra chuyện nạn kiều, thì sự kích động về VN bài xích người Hoa nổi lên thành sự kiện lớn, chính quyền TQ đã giật dây từ xa qua cả truyền mồm, truyền thông. Đó là việc sai lầm của nhà cầm quyền TQ.
    Người dân hai tộc người Hoa Việt chung đụng sống, làm ăn với nhau từ lâu không ai có tý gì vướng mắc với nhau, bỗng một ngày nhìn nhau xa lạ. Đó là chuyện của những nhà cầm quyền.
    Đến nay, thái độ bành trướng của TQ nhất là vấn đề biển đông có vẻ như lại châm ngòi cho một thời kỳ lạnh nhạt, nghi ngờ mới. Tuy vậy, người dân ai cũng hiểu đâu là người xấu, ai là người tốt và giới hiểu biết càng hiểu rõ sự bất đồng nếu có là do đâu, không thể có ngộ nhận.

    • Thế nên em mới nói người Hoa ở quê ta chỉ là một lá bài trong một trò chơi chính trị. Và nếu như mình cũng để cho cái hiềm khích xuất phát từ những định kiến hẹp hòi dẫn dắt thì mình cũng sẽ trở thành một lá bài trong tay người khác thôi.

  9. Nhân dân thì ở đâu trên trái đất này chẳng như nhau ! Chỉ khác mỗi mấy thằng đó thôi ! Trong mọi trường hợp thì nhân dân ở hai nước đều mất mát như nhau ! Nhưng khổ nỗi là thế giới lại nằm trong tay mấy thằng khác người đó !

    • Trong tay mấy đồng chí ẩn danh, khó nói cụ thể là ai trong thập tứ thân vương này. Hay ai cũng đúng, bác Trà nhẩy ?

      • “Khó nói cụ thể là ai trong xx thân vương này”.
        Cứ chờ đến lúc chia lộc hay báo công thì biết ai là ai chứ có khó lắm đâu bác Đoàn? 😀

        • Bố khỉ, chia lộc dưới gầm bàn thì bố ai biết được, còn tranh công chạy tội là chuyện thường ngày.
          Chỉ tội cho đc Trọng mếu, mũi dại thì lái phải đòn, đổ cho mấy đời trước cũng đúng mà tự nhận cũng không sai vì bao đời ta cũng có góp phần. Đích thân đc xin BCT cho nhận kỷ luật, BCT y án, nhưng khi đưa ra TW thì lại thôi vì xấu chàng hổ ai. Khéo bọn phản động thù địch nó tán ra là cả bao đời trước TBT Đảng cũng đáng đem ra xem xét kỷ luật thì hỏng hẳn.

          • Mấy hôm nay nó lại chặn WP, lại phải đi kiếm thang về đây bác Đoàn ạ. Chán như con gián 😦

            • Học cái sách của thằng anh giang hồ trật búa cũng hây chớ. Dùng thủ đoạn hèn hạ làm đối phương phải nhụt chí. Như tui đây, đường đường là dân Miền Tây đạp đồng, đội… nón mà tự nhiên phải trèo tường, khoét vách, lấm la lấm lét riết gồi tự nhiên thấy quê ên, ủa, hình như mình làm chiện gì bậy ha? Gồi thấy nhụt như con cá nục gồi lặn luôn cho êm.

    • “Nhân dân thì ở đâu trên trái đất này chẳng như nhau ! Chỉ khác mỗi mấy thằng đó thôi”.
      Nhất trí với bác Trà. Và người ta đã nói đại ý trong mọi cuộc chiến, kẻ mất mát nhiều nhất chính là nhân dân.

  10. Cách đây gần chục năm GH đọc đi đọc lại “Vật báu của đời” của Mạc Ngôn mà vẫn không sao tìm ra điều gì hấp dẫn để đến nỗi được trao giải Nobel. Trái ngược với việc người ta truyền tay nhau đọc những tiểu thuyết để cùng được khóc, được cười với nhân vật trong truyện trước khi nó được giải thì ngày nay người ta ghé đọc qua cuốn sách đó lần đầu tiên khi biết nó đoạt giải Nobel rồi họ quên tiệt và hiếm thấy nó trên kệ sách của họ.
    ——
    Nobel ngày nay cũng thật đáng phải bàn?

  11. Ngày xưa Trần Bình Trọng :” Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc ,… ”
    Bây giờ tôi chỉ thích ” làm tôi đất Bắc còn hơn làm ông chủ nước Nam … “

  12. Spam bác Cua phát:
    http://phapluattp.vn/20121104120053488p0c1013/khong-nen-cuc-doan-doi-voi-trung-quoc.htm
    Chúng ta phải ôn hòa và kiên trì sử dụng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) cũng như những chứng cứ chủ quyền về Trường Sa – Hoàng Sa từ trước đây, tạo nên cách thức chủ đạo để bảo vệ biển Đông và các đảo Việt Nam; thu thập đầy đủ chứng cứ pháp lý để khi cần Việt Nam sẽ có thể đấu tranh pháp lý với TQ trên mặt trận pháp lý quốc tế.
    Bên cạnh đó, việc cần làm là ghi lại hình ảnh những hành vi xâm lấn để đề phòng TQ tạo cớ leo thang và chuẩn bị đầy đủ sức mạnh vũ trang để đáp trả khi bị tấn công và thông báo cho dư luận quốc tế.

    Nói tới nói lui để rồi để rồi đưa tới kết cái mả mẹ nó luận là khi ông anh có “hành vi xâm lấn” thì việc thằng em cần làm ngay là quay phim/chụp ảnh lại? Không muốn văng tục nhưng mà đ.mẹ nó ngứa mồm wé, ngứa mồm wé!

  13. Em cua của chị có bình an không đó? Chị nhớ cua!

  14. Bác Cua có khỏe không? Bác vẫn còn trong SG?

  15. Cua đâu rồi? Chứ trời đã lạnh đâu mà rúc vô hang trốn kỹ thế không biết! 😆
    Chúc em bình an! Xóm dạo này quạnh hưu nên càng nhớ cua hầy!

  16. Cua ơi lại đây chị cho tách trà nóng nè! Có kẹo Sìu Châu chị vừa đi Nam Định về nữa! Ngon quá! 😆

  17. Bác Cua bận rộn lắm hở, vì em thấy bác để bài này hơi lâu.

  18. Yêu anh đến thế cơ chứ, nhưng sao để anh mãi cô đơn thế này!

Gửi phản hồi cho Hà Linh Hủy trả lời