Album ảnh

Những ánh sao đêm

Lần đầu tiên tôi được nghe bài hát “Những ánh sao đêm” là vào khoảng cuối những năm 70, qua giọng hát của ca sĩ Vũ Dậu. Một bài hát mới mẻ cả trong lời hát trữ tình, lãng mạn, lẫn giai điệu dịu dàng tha thiết, khác hẳn với những bài hát tôi vẫn thường được nghe trong thời kỳ ấy, như Tiếng đàn Ta lư, Cô gái vót chông, Tiếng chày trên sóc Bom bo …

“Những ánh sao đêm” là một sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Bài hát được viết vào năm 1962, bắt nguồn từ những cảm xúc của nhạc sĩ khi vào một đêm hè, từ căn phòng nhỏ của mình trên tầng cao một khu chung cư, ông nhìn về phía khu tập thể Kim Liên đang xây dựng và thấy dưới ánh đèn công trường lấp lánh như sao sa là sự tấp nập, hối hả làm việc của bao công nhân và thế là những ấp ủ về một tác phẩm hình thành. Đầu tiên tác giả ca ngợi những công nhân xây dựng ở miền Bắc, rồi sau lời bài hát được chỉnh sửa dần và đến hoàn thiện như ngày nay

Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua
Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa
Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng
Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca
Em ơi, anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi
Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng anh những thấy càng thương nhớ em
Dù xa nhau trọn ngày đêm anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi
Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca

***

Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng tha thiết ước mong ngày mai
Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai
Dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường và nhiều công trường xây niềm vui mới
Khi bóng đêm trở về rực ánh đèn lên em thấy như muôn ngàn vì sao thêu trong đêm tối
Em ơi tuy giờ đây hai miền còn cách xa
Niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta
Nhưng không thể xóa được hình bóng em
Dù xa nhau trọn ngày đêm, anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi

Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11 tháng 11, và cũng là người con thứ 11 trong một gia đình thợ may ở Đà Nẵng. Quê gốc của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940 trong nhóm tân nhạc. Sau ca khúc đầu tay Trầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Đoàn giải phóng quân viết cuối 1945. Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của ông là Mùa đông binh sĩ được viết khoảng giữa thập niên 1940. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này ông viết một số ca khúc như Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, Quê tôi ở miền Nam… Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Tháng 12 /1964, Phan Huỳnh Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ, làm việc trong Ban văn nghệ. Trong thời gian đó ông đã viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang. Sau 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và sống ở đó. Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, quá nửa trong số đó là các bài hát phổ thơ.

Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao hay Hành khúc ngày và đêm …  Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển…

Ca sĩ Vũ Dậu sinh năm 1945 tại Hà Nội trong một gia đình khá giả. Từ năm 13 tuổi, bà đã tham gia Đội sơn ca của Đài tiếng nói Việt Nam. Năm 16 tuổi, khi đang học ở trường trung học Việt-Đức, Hà Nội, Vũ Dậu nhận được giấy gọi vào Đoàn ca múa nhạc trung ương và tham gia vào đoàn văn công đi chiến trường. Năm 20 tuổi, Vũ Dậu lập gia đình. Đó là một gia đình nghệ sĩ: chồng bà là nghệ sĩ đàn bầu Phạm Ngọc Hướng, con trai đầu lòng là nhạc sĩ Ngọc Châu và con thứ hai là nữ ca sĩ trẻ Khánh Linh.

Vũ Dậu đi hát sớm tuy nhiên lại nổi tiếng muộn hơn nhiều so với những ca sĩ cùng thời như Bích Liên, Mỹ Bình, Diệu Thúy… Mặc dù có cả thanh lẫn sắc, nhưng do bản tính nhút nhát, Vũ Dậu chỉ dám hát tốp ca. Đến năm 1972, bà mới bắt đầu hát đơn. Ca khúc đầu tiên hát đơn là bản dân ca Trèo lên trái núi thiên thai do nghệ sĩ ưu tú Đinh Thìn đệm bằng sáo trúc. Vào thập niên 1980 , Vũ Dậu cùng với Mạnh Hà, Thúy Hà… là những ca sĩ đầu tiên hát nhạc nhẹ tại miền Bắc. Họ hát những bài hát Việt Nam, Liên Xô, Đông Âu, Triều Tiên… với phong cách mới mẻ mà về sau thường được gọi là nhạc nhẹ. Vũ Dậu nổi tiếng với những ca khúc như Cô gái mở đường, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Đôi dép Bác Hồ… và đặc biệt là với những ca khúc của Phan Huỳnh Điểu như Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Đêm nay anh ở đâu… Bà đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 1980, bà cùng với một số bạn diễn được cử đi Tiệp Khắc tham dự Tài năng trẻ quốc tế và được mời làm ban giám khảo. Năm 1989, Vũ Dậu về hưu khi mới 45 tuổi.

Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng với tôi cảm giác mới lạ, trong trẻo mà bài hát mang lại vẫn y như ngày nào. Giống như một làn gió đêm nhẹ nhàng, tươi mát đến cùng với mùi cỏ hoa và tiếng ếch nhái kêu sau cơn mưa rào đầu mùa, khi mùa xuân ướt lạnh còn chưa đi xa và mùa hạ mới đang ngập ngừng bước tới … Có lẽ vì bài hát kể về một câu chuyện không bao giờ cũ, nhưng lại rất mới trong thời kỳ bấy giờ, đó là “Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu/ nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca” và “Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi/ Lòng anh những thấy càng thương nhớ em” … Bức tranh mà bài hát vẽ nên, cho đến bây giờ vẫn còn là niềm ao ước: “Dòng sông mát xanh chảy quanh phố phường/ và nhiều công trường xây niềm vui mới”…

Bài hát “Những ánh sao đêm” tuy cũng được xếp vào những bài hát viết về đề tài xây dựng, nhưng khác với nhiều bài hát khác cũng viết về đề tài xây dựng, như “Bài cai xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân, hay một số bài hát viết về những anh thợ xây hay chị quét vôi, bài hát này chủ yếu nói về tình cảm của người thợ xây dành cho người yêu phương xa trong hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt. Nỗi niềm này không chỉ riêng có ở người thợ xây, mà bất cứ ai trong hoàn cảnh tương tự đều có, chắc bởi thế nên sau này nó đã trở thành một bài tình ca được rất nhiều người yêu thích.

Vậy nhưng có một điều thật bất ngờ là bài hát này, dù vậy đã từng không được phổ biến (hay nói cho đúng là đã từng bị cấm) trong suốt bao nhiêu năm. Nó đã phải chịu chung số phận với nhiều bài tình ca khác, dù sau này được đánh giá là những bài ca sống cùng năm tháng, là những tình khúc vượt thời gian v.v…, nhưng không vượt qua được tư duy và cung cách hành xử của một thời. Cứ tưởng rằng theo lẽ thường, người ta không thể cấm đoán chúng chỉ vì chúng nói lên những tình cảm rất con người.

Nhưng có lẽ trên con đường đi từ hết thắng lợi này lại đến thắng lợi khác thì chẳng có chuyện gì là không thể.

Tháng 11/2011

Nguồn tham khảo:

http://www.youtube.com/watch?v=2LfJToK0VL4&feature=related

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Nhung-Anh-Sao-Dem-Trong-Tan/ZWZAA7DB.html

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng_%C3%A1nh_sao_%C4%91%C3%AAm

http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Hu%E1%BB%B3nh_%C4%90i%E1%BB%83u

http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_D%E1%BA%ADu

156 responses to “Những ánh sao đêm

  1. …Xây cho nhà cao cao mãi, Ôi ! xinh đẹp tổ quốc của ta…thế mà vào Nam bao lâu ông vẫn chỉ có được một chỗ ở chật chội trong khu ao rau muống cạnh bờ kênh NL bây giờ. Kêu mãi thì mới có sự quan tâm khá hơn, tội nghiệp.
    Thế mà những khu nhà ở Trung tự vẫn còn nguyên nét lạc hậu như ngày ấy, có lẽ chúng không thuộc diện …hơn mười ngày nay như Kim Liên gần đấy chăng ?

  2. Chắc em chỉ có khiếu nghe …vọng cổ sao đó mà nghe bài nầy không thấy hay gì cả. Nhạc Phan Huỳnh Điểu em chỉ thích một bài duy nhất đó là “Thuyền và Biển”. Còn lại thì nghe như nhạc giao hưởng. Chắc tại em không đủ trình độ để thưởng thức nhạc quý tộc.

    • Đây nhá, mấy nữa tui mang bài ni tặng Đậu nhà cháu bác ba nhá

    • Ba ba ạ, ba ba thử tìm nghe thêm một số bài của ổng, thi dụ Bóng cây cơ nia,.. Anh đầu sông , em cuối sông nhé.Mình cũng nỏ thích ông ni, ông ấy có cái vẻ “kĩ tính” thâm chí cực đoan khi phê phán ; nhạc chế , ( lời bài hát xuyên tạc cho vui ấy mà) là ăn cặp người chế ra nó ( nhiều khi là bọn trẻ con) là..vô đạo đức…hè hè..có lẽ ông ấy buột miệng, chứ nhạc không hay ai thèm chế thêm mần chi..để hát cho dzui ? Hơn nữa nếu ba ba có nguồn gốc phát triển ở trong nam từ trước 75..thì cũng khó mê nhạc ông ấy là phải

    • Chaubacbaphi: “Chắc em chỉ có khiếu nghe …vọng cổ sao đó …”
      Không hẳn thế đâu, bởi có khi cảm xúc của mỗi người khi nghe một bài hát còn phụ thuộc vào những hoàn cảnh và những kỷ niệm liên quan đến bài hát. Vào cái thời bài hát này được phổ biến trở lại, thì gần như nơi duy nhất người dân miền Bắc trông vào để nghe ca nhạc là Đài TNVN, mỗi ngày phát chương trình ca nhạc có 2 lần, mỗi lần nửa tiếng với những bài hát chủ yếu như là Giải phóng miền Nam, Tiếng đàn Ta lư, Như có Bác trong ngày vui đại thắng …
      Vì vậy mà cảm xúc khi nghe Những ánh sao đêm thật là đặc biệt đáng nhớ …

  3. “Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua…”
    Đề nghị các đồng chí nếu có hát cũng không được hát trong WC nhá! 😀
    Cô ca sĩ này giọng kim thiệt là cao.

  4. Những gì tinh tế cảm nhận được qua bài hát thì đồng chí Cua chuyển tải hết qua bài viết rồi , tui còn chi để nói nữa .Túm lại : Nhạc sí sáng tác tuyệt vời. Ca sĩ Vũ dậu trình bày tuyệt vời . Cây bút Cua (nhưng không ở ngoài đồng) viết tản văn cũng tuyệt vời 😆

  5. Kiểu này là có mối tình xây dựng mới đây!
    Nghe bẩu dân Xây dựng tốn gái lắm, đi đến nơi nào cũng có suất “tần ngần”. Vậy thì yêu và hay hát bài này cũng phải thôi. Nhưng có một câu vô lý: Xây cho nhà cao cao mãi…… nhỡ nó đổ thì nàm thao? Và nhiều gái ghen nhau thì cũng nàm thao bi hờ? 😆

  6. Thanks anh Cua, bài hát hay mà chị Dậu lại đẹp thế kia, chả trách cụ cố cứ đòi…sữa

  7. Mượn bác câu này ,
    ” Nhưng có lẽ trên con đường đi từ hết thắng lợi này lại đến thắng lợi khác thì chẳng có chuyện gì là không thể. “

  8. Hôm trước bác Hồng Chương nói là chờ cuadong@ vào rồi hẹn hò lên nhà bác Đồ@, tình hình ra sao rồi ?

    • Em lỡ hẹn với các bác rồi vì kế hoạch thay đổi, hiện giờ em cũng không biết chắc lắm vì phải phụ thuộc vào công việc. Nhưng có lẽ cuối tháng 12 hoặc sau Tết em mới lại vào SG

  9. công nhận thỉnh thoảng nghe những bài hát ni cụng hay, thấy có khí thế…

  10. Tui thấy bài này thực sự hay. Mấy bữa nay tui cứ lén xếp để nghe nó lại. Tui nghĩ mấy đ/c chê nó là bởi vì gắn nó với những thực tế nhem nhuốc chăng? Huhuhuu…. oan cho nó hay sao ấy! Thanh minh cho nó xong thì cười hehehehh…… 😆

  11. Cứ thương, cứ tội cho kỷ niệm, cho quá vãng thì ai thương tội cho thế hệ tương lai đang tụt hứng tắc đường không vận hội ? HTH có thấy tội thuộc về chúng ta chăng ? Thì hãy vỗ vào má mà thưa: lỗi tại tôi (2), mọi đằng.
    Khà khà, sáng nay lại thấy các bác kêu về quy chế đặc khu cho HN. Nhà siêu mỏng siêu hẹp, đường đi siêu ổ, cống rãnh siêu hôi,…Mà cứ vói lên tầm cao thời đại: cao, cao, cao mãi…

    • “Cứ thương, cứ tội cho kỷ niệm, cho quá vãng thì ai thương tội cho thế hệ tương lai đang tụt hứng tắc đường không vận hội ?”
      Bác Đoàn nói thế là dễ bị bọn phản động lợi dụng phá hoại lắm đó.

      • Sợ nhất là bị bọn nội phản nó dùng, nó đào sâu suy nghĩ rồi áp dụng, sau đó đổ cho bọn diễn biến, bọn phản động đội lốt, bọn…, lợi dụng.
        Lâu nay chúng nó cho sex thoải mái, từ mạng đến báo lá cải, rồi thì cửa hàng sextoy- chủ yếu là của Tàu- mọc khắp hang cùng ngõ hẻm như nấm sau mưa; chúng nó đề cao cướp vũ lực nên cướp giết hiếp lan tràn; chúng nó đưa văn hóa xa lạ để tha hóa làm mai một thuần phong mỹ tục của ta, đúng là một bọn phản động có hệ thống, có tổ chức đấy.

  12. HTH có thấy tội thuộc về chúng ta chăng ? Thì hãy vỗ vào má mà thưa: lỗi tại tôi (2), mọi đằng.
    —————————————————-
    Bác DNS à, chiếc lẫy nhỏ xíu xiu, nhưng khi lắp vào khẩu súng thì dĩ nhiên nó góp phần vào tội làm cho người khác không được sống. Quẳng ra ngoài,nó thành vô dụng, nhưng nó có vô tội không? Vỗ vào má mà tự trách mình ( ấy là đã tự vấn như bác com ), nhưng rồi, như cái lẫy nhỏ xíu kia, vẫn gắn liền với khẩu súng, có khác gì đâu?
    Em chưa để ý nghe cái vụ đặc khu, nhưng nói lái lại thì nó là…. hơi bậy!

    • “Em chưa để ý nghe cái vụ đặc khu, nhưng nói lái lại thì nó là…. hơi bậy!”
      Bác hth không được suy diễn, suy tưởng, suy v.v… các từ ngữ trong văn kiện của Đảng và Chính phủ 😀

    • Thế đấy Hth, cái va-ly hạt nhân mà ai cũng mở ra xài được thì có mà nổ tung từ lâu. Ở ta thì ai cũng là chiến sĩ an ninh, ai cũng có quyền xâm phạm và quấy nhiễu đời sống người khác. Thời bất an đã thế thì thời nay DNA của chúng vẫn di chuyển trong cộng đồng, nên ai cũng là cái lãy (con cò) tham gia vào việc quyết định giết người.
      Chả biết trách ai nữa. Ức quá cứ kêu ầm lên giữa trời thế thôi.

  13. Bài hát đã hay, người hát rất hay mà người viết lại càng hay nữa. Đọc xong vẫn thấy tiếc nên đọc nốt 70 cái còm mà nhiều người còm vui và buồn cười quá. Kua là dân xây dựng, yêu ngành, yêu nghê, yêu luôn những ca khúc về xây dựng. Tình yêu của Kua thật mênh mông. 😆

  14. Toàn bài chỉ có câu này là hay nhất, bác Cua Đồng ạ: “Nhưng có lẽ trên con đường đi từ hết thắng lợi này lại đến thắng lợi khác thì chẳng có chuyện gì là không thể.” (OngTu)

  15. Bài viết hay, bài hát hay, bác Dậu xinh và đọc com thích.

  16. Khi còn nhỏ, vào đầu thập niên’60 , tôi hay được nghe cậu tôi nghêu ngao vài đoạn của một bài hát. Hỏi Cậu , tôi được cho hay đó là của Phan huỳnh Điểu , một nhạc sỹ đã đi tập kết ra Bắc.

    Bài hát đó bắt đàu bằng :

    Đàn chim bay trong mùa thu cây vàng mờ mờ
    ………………………

    Ôi châu Á đang khổ đau ! Ta đứng lên vì Người vì hòa bình
    Nguyện đem Người đến sắc hương , đùa với ánh sáng
    Đây tiếng cười no ấm , hòa trong sóng đời trào dậng

    Thanh niên ơi ! Nào cùng chim tung bay
    Bay qua vùng bao la nắng ,qua đông xa tuyết trắng
    phương trời đông hay trời tậy
    Xé biên cương, chim bay không hề mong chi ngày về
    …………………

    Đây là bài hát duy nhất của Phan huỳnh Điểu mà tôi được biết(không trọn vẹn) . Hôm nay thấy lại tên Phan huỳnh Điểu ,tôi nhớ lại bài hát đẹp và đầy tha thiết này. Tôi cũng nhớ đến cậu tôi , đầy lý tưởng , đã bay đi và …không về.

    Cám ơn Bác Cua

    • Chào bác Chinook, lâu lắm không thấy bác ghé chơi.
      Xin được chia sẻ nỗi niềm của bác.

      • Em cũng chào bác chinook, bác mạnh giỏi hỉ, có mới nới cũ, bác quên em rồi sao?

      • Chào Anh Cua.

        Tôi vẫn ghé thăm nhà Anh hầu như mỗi ngày. Tuy vậy chỉ dựa cột, cố lắng nghe để học hỏi thôi . Mở miệng , sợ nói không đúng thì lại được “giáo dục để tập nói lại cho đúng” thì sợ lắm.

        Bài học năm xưa học một lần làm tôi “tởn” đến….chết.

        • Anh Chinook kính mến,

          Mong anh đừng bị ám ảnh ký ức năm xưa…cứ chia sẻ nếu muốn anh Chinook à. Em tự dưng làm người phát ngôn cho blog Cua đồng 1 chút vì đọc comment của anh thấy cũng tự dưng muốn re-com cho anh. Blog anh KuA toàn người vui tính, nhân ái chia sẻ những buồn vui cuộc đời, thế sự…
          Những gì đã qua chắc khó quên, nhưng chúng ta đều là bạn mong mang đến những giây phút ấm áp cho nhau mà anh!

          Chúc anh luôn khỏe, an bình!

          • Chào chị Ha Linh

            Thú thực , tôi đã đánh mất sự hồn nhiên của mình trong những năm tháng đó.

            Cám ơn Chị đã động viên.

            • Anh Chinook kính mến,

              Em nghĩ khi vào blog Cua đồng anh cứ tưởng tượng như đang quay trở lại với một nhóm bạn của mình ngày xưa, ngày xưa khi chưa có những năm tháng để lại ám ảnh cho anh ấy.
              Anh thấy đấy, mọi người vào đây cứ tự nhiên vui đùa thoải mái vậy thôi, trêu chọc nhau nữa!Cứ hòa mình và em tin một ngày nào đó anh sẽ không còn lo lắng, ái ngại nữa!
              Mong anh luôn vui !

        • Rất đồng tình với Hàlinh. Mong bác Chinook cứ tự nhiên, coi mọi người ở đây như anh em và em nghĩ ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình về những chuyện mình thấy quan tâm, bác Chinook ạ.

  17. Insert mấy đoạn của bác Chinook dẫn nhé,
    …Đàn chim tung mây khi mùa thu mưa giăng tơ,
    từng tiếng quốc quốc ! (hưm)
    từng gió, á a…a à…trong rừng thu nghe bùi ngùi,
    Ôi, chiến tranh (?) ai còn đem máu xương chất núi,
    Hỡi châu Á đang khổ đau ta đứng lên vì Người vì Hòa bình.
    Nguyện đem xương máu xác thân đùa với ánh sáng,
    đây tiếng cười no ấm hòa trong sóng đời triều dâng.
    …Thanh niên ơi ! mau cùng chim tung mây,
    Bay qua…

  18. …Trời xanh chim vẫy vùng Tự do,
    chim hát ca trời mây xanh một màu Hạnh phúc,
    Ca lừng vang, chim dọc ngang…

    Kua thấy lời hay không ? nhạc thì rất sang và kiêu hùng. Hôm nào sẽ xin được hát cho Kua nghe.
    Xin chia sẻ chút đồng cảm với Chinook !

  19. Mò mẫm thế nào mà hôm nay mới vào tới bài này của bác. Khóc khi nghe bài hát và hình ảnh Hà Nội xưa, thấy mình là một cậu bé đang chạy lon ton trong đó.
    Câu kết của bác thật tuyệt vời.
    Cám ơn bác.

  20. Tôi cũng rất thích bài bát này – hôm nay được biết một số thông tin về nó quả thật thú vị . Lại được đọc câu ” … trên con đường đi từ hết thắng lợi nầy lại đến thắng lợi khác thì chẳng có chuyện gì là không thể ” -đúng là một câu kết chắc khừ như thép cột – làm cho Tiêu tôi cảm thấy vô cùng thích thú !

Gửi phản hồi cho cua đồng Hủy trả lời