Album ảnh

Ai về sông Tương …

Nói đến nhạc tiền chiến thì một trong những bài hát mà người ta nghĩ đến đầu tiên chắc hẳn là bài “Ai về sông Tương” của nhạc sĩ Thông Đạt. Một bài hát đi vào lòng người ngay sau một vài lần nghe bởi ca từ đậm chất thơ trên nền nhạc êm dịu, sang trọng, phảng phất buồn nhưng không bi lụy. Bài hát mở đầu bằng nỗi nhớ nhung khắc khoải, da diết:

Ai có về bên bến sông Tương

Nhắn người duyên dáng tôi thương …”

Hình ảnh sông Tương còn được nhắc đến ở đoạn cuối bài hát, gợi lên trong người nghe hình ảnh của dòng sông xuyên suốt bài hát, làm đầy thêm cảm nhận về nỗi niềm nhung nhớ của những người yêu nhau trong cách trở chia ly.

Bài hát nhắc đến sông Tương, có lẽ ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về sông Tương.

Sông Tương, còn gọi là Tương Giang hay Tương Thuỷ, là một con sông có chiều dài gần 900 km, bắt nguồn từ huyện Lâm quý, Quảng tây (một tỉnh của Trung quốc, giáp với các tỉnh Quảng ninh, Lạng sơn, Cao bằng của VN), rồi đổ vào hồ Động đình, Hồ nam (hồ Động đình là một trong 4 hồ lớn của TQ, và cũng có liên quan đến truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu cơ). Nghĩa là sông Tương khá gần với người Việt cả về địa lý và tinh thần.

Sử Trung hoa cổ viết: khi vua Thuấn mất, hai bà phi là Nga Hoàng và Nữ Anh thương tiếc không nguôi, hết vật vã thảm thiết trong cung, lại ra bờ sông Tương khóc than đêm ngày. Nước mắt hai bà nhỏ xuống bờ trúc, làm cho trúc ở đây nổi lên những đường vân đẹp như mây sóng ẩn hiện. Từ đó, người đờì sau thường tìm đến bờ sông Tương mua loại trúc này về làm mành. Trúc bên sông Tiêu Tương không những làm mành đẹp mà những cây sáo làm từ trúc Tương giang cũng mang một âm thanh có sức truyền cảm lạ lùng.

Một câu chuyện khác cũng được ghi lại ở vùng sông Tương.

Đó là thời Ngũ Quý (907- 955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có gia đình họ Lương sinh được một cô con gái đặt tên là Ý Nương, có sắc đẹp lại hay chữ. Nhà họ Lương có một khách trọ là chàng Lý Sinh, một hàn sĩ vẻ người thanh tú. Nhân một đêm Trung thu, nàng Ý Nương ra vườn thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới, quyến luyến không muốn xa nhau. Rồi Lương lão gia biết chuyện bèn đuổi Lý Sinh đi.

Ý Nương lấy làm đau khổ sinh bệnh tương tư, mới làm bài khúc “Trường tương tư” mong gửi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Lời thơ thật là ai oán não nuột:

“Nhân đạo Tương giang thâm
Vị để tương tư bán
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Ðầng ẩm Tương giang thuỷ
Mộng hồn phi bát đáo
Sở khiếm duy nhứt tử
Nhập ngã tương tư môn
Tri ngã tương tư khổ!”

Tạm dịch:

“Nguời bảo sông Tương sâu
Nhưng chưa bằng nguồn tương tư
Sông sâu còn có đáy
Tương tư không bến bờ
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Tương tư không gặp mặt
Cùng uống nước sông Tương
Hồn mơ bay chẳng đến
Chỉ thiếu một điều chết
Ta vào cửa tương tư
Mới biết tương tư đau khổ!”

Lý Sinh tiếp được thơ, đọc xong cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ cụ Lương, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng Ý Nương làm vợ. Cụ Lương trước còn dùng dằng, sau đọc khúc “Trường tương tư” của con, lấy làm cảm động nên bằng lòng cho Lý Sinh cùng nàng Ý Nương kết duyên.

Mang theo những câu chuyện tình sâu sắc, cảm động nên sông Tương trở thành một biểu tượng của tình yêu lứa đôi chung thủy. Ai cũng đã từng yêu, từng trải qua chia ly, hờn giận nên có lẽ cũng đều đã từng có một lần đến với sông Tương của riêng mình. Chắc vì thế nên sông Tương không còn mang ý nghĩa là một dòng sông cụ thể mãi bên đất Trung hoa nữa mà là một dòng sông quen thuộc với mọi người, đến độ nhiều người nghĩ đó là một dòng sông Việt, hoặc không phân biệt sông Tương với sông Thương chăng?

Nhân nói đến “Ai về sông Tương” có lẽ cũng nên tìm hiểu thêm về tác giả của bài hát này, nhạc sĩ Thông Đạt.

Nhạc sĩ Thông Đạt có tên chính là Văn Giảng, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình trung lưu có truyền thống về âm nhạc, ngay từ bé Văn Giảng đã tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc. Ông bắt đầu tập chơi mandoline rồi sau đó đến guitar.

Văn Giảng từng dạy nhạc ở Huế, rồi ông vào Sài Gòn thi Tú tài và tốt nghiệp Cử nhân ở đó. Sau khi thi đỗ Anh văn ở Hội Việt Mỹ, Văn Giảng trúng tuyển và ông sang Hoa Kỳ học âm nhạc tại Hawaii và Bloomington. Tốt nghiệp xuất sắc, ông được học bổng để tiếp tục nghiên cứu bậc cao học âm nhạc. Sau đó Văn Giảng trở về nước và được đề cử làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.

Sau Tết Mậu Thân 1968, cảm thấy sinh sống ở Huế bất an (Tăng Duyệt, bạn thân của ông, đã chết trong biến cố này) nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1969. Ở đó, Văn Giảng dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc.

Cũng trong thời gian này, với bút danh Thông Đạt, ông viết tiếp một số tình khúc khác. Đồng thời, Văn Giảng được Bộ Văn hóa Giáo dục đề cử làm Trưởng phòng Học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật.

Năm 1970, ông được chỉ định làm Giám đốc Nghệ thuật điều hành Đoàn Văn nghệ Việt Nam gồm 100 nghệ sĩ tân cổ nhạc và vũ, ban vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách, ban vũ cổ truyền đại nội Huế do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba điều khiển, để tham dự Hội chợ Quốc tế Expo 70 tại OsakaNhật Bản.

Sau 1975, nhạc sĩ Văn Giảng ở lại Việt Nam cho đến năm 1981 ông vượt biên đến đảo Natuna. Sau đó được chuyển đến đảo Pulau Galang. Ở đây, trong 6 tháng, Văn Giảng sáng tác một số bài nói lên thân phận của những người lưu vong mà bài đầu tiên là Natuna người tình đầu.

Ngày 20 tháng 5 năm 1982, Văn Giảng định cư tại Úc, ở đây, ông tiếp tục con đường âm nhạc, soạn và xuất bản nhiều sách dạy nhạc viết bằng Việt ngữ và Anh ngữ, sách nhạc lý như cách dùng hợp âm, tự học tây ban cầmhòa âm, sáng tác, học hát, học đàn… Văn Giảng còn sáng tác thêm nhiều tình khúc được tập hợp thành một số tập, như 12 tình khúc (Tập I), 12 Tình Khúc (Tập II) . Văn Giảng hiện cư ngụ ở thành phố Footscray, bang Victoria, nước Úc.

Phần lớn các sáng tác của Văn Giảng thuộc thể loại hùng ca như Thúc quân (1949), Lục quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân hành ca (1951), Qua đèo (1952), Nhảy lửa(1953)… nhưng ông còn viết tình ca với bút danh Thông Đạt, nổi tiếng nhất là nhạc phẩm Ai về sông Tương.

Ai về sông Tương được Thông Đạt viết vào năm 1949. Về ca khúc này có một giai thoại: Những năm cuối thập niên 1940 đó, Văn Giảng có chơi thân cùng ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Huế, một số hành khúc của Văn Giảng cũng được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Một lần Tăng Duyệt nói đùa ngụ ý rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi còn về những bài tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Văn Giảng nghe và không trả lời. Sau đó ông viết bản Ai về sông Tương và ký tên Thông Đạt. Ai về sông Tương được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà NộiHuếSài Gòn và nhanh chóng nổi tiếng. Sau nhiều lần được nghe bản nhạc đó trên đài, Tăng Duyệt gặp Văn Giảng và hỏi ở trong giới nhạc, Văn Giảng có biết Thông Đạt, tác giả bài Ai về sông Tương là ai không, bởi Văn Duyệt muốn tìm mua lại bản quyền để xuất bản nhạc phẩm đó. Nhưng Văn Giảng trả lời không biết.

Một lần hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ tới chơi và tình cờ nhìn thấy bản thảo của Ai về sông Tương. Nhờ đó Tăng Duyệt mời biết Văn Giảng chính là Thông Đạt, tác giả của bàn tình ca nổi tiếng đó.

Với bút danh Thông Đạt, Văn Giảng còn sáng tác một số nhạc phẩm khác như Đôi mắt huyền, Hoa cài mái tóc, Tình em biển rộng sông dài, Xin đừng chờ em nữa

Ngoài bút danh Thông Đạt, Văn Giảng còn có một bút danh khác nữa là Nguyên Thông khi ông viết những ca khúc về Phật giáo. Dưới bút hiệu này, ông đã sáng tác khoảng vài chục ca khúc về Phật giáo, như Từ Đàm quê hương tôi, Mừng ngày Đản Sanh, Ca Tỳ La Vệ, Vô thường, Hoa cài áo lam…, đóng góp không nhỏ cho nền Phật nhạc của Việt Nam. Các bài của ông thường xuyên được hát lên trong các buổi tụng niệm tại các chùa từ Huế vào đến Sài Gòn. Bài Mừng ngày Đản Sanh của ông được dùng làm ca khúc chính thức cho ngày Phật Đản đến tận bây giờ.

Trong thời gian làm nhạc trưởng Đài Phát thanh Huế và giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Hàm Nghi, Quốc Học và trường Sư phạm đào tạo giáo viên Tiểu học, nhạc sĩ Văn Giảng còn sáng tác và ấn hành một tập nhạc dành cho thiếu nhi mang tên Hát mà học gồm có 10 ca khúc:Đến trường, Chơi ná, Chê trò xấu nết, Mèo chuột, Tham mồi, Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca, Trăng Trung Thu, Chúc xuân và Tạm biệt.

Cũng trong lãnh vực âm nhạc, nhờ xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, Văn Giảng thích tìm tòi và nghiên cứu nhạc cổ truyền Việt Nam. Năm 1956, ông đã tìm ra phương pháp ký âm cho nhạc sĩ cổ truyền có thể nhìn bài bản mà trình tấu chung với nhạc sĩ tân nhạc và từ đó, ông thành lập ban cổ kim hòa điệu Việt Thanh, ban nhạc đầu tiên trong nước dưới hình thức tân cổ hòa điệu với những nhạc khí tranhtỳnhị huyềnnhị hồđàn nguyệt… hoà tấu chung với dương cầmtây ban cầmđại hồ cầm

Trong lĩnh vực này, ông đã hoàn thành tác phẩm độc đáo Ai đưa con sáo sang sông, một bản đại hòa tấu, thời lượng 60 phút, trình diễn bởi các nhạc sĩ cổ truyền. Ông cũng đã soạn nhiều sách giáo khoa về âm nhạc, hoàn thành quyển Kỹ thuật hoà âm dày 350 trang được dùng làm tài liệu dạy âm nhạc ở các trường.

Và bây giờ hãy quay trở về với bài hát “Ai về sông Tương” để thưởng thức lời ca và giai điệu ngọt ngào, êm dịu của bài hát, thả cho tâm hồn lãng đãng trôi vào một nỗi buồn nhẹ nhàng, sâu lắng muôn thuở trong thẳm sâu  mỗi người, “tôi buồn – không hiểu vì sao tôi buồn” (lời thơ Xuân Diệu).

Tháng 10/2010

P/s: Bài hát này rất dễ tìm trên mạng, với nhiều phong cách thể hiện khác nhau của các ca sĩ nổi tiếng. Xin giới thiệu bài hát qua giọng ca của ca sĩ Ánh Tuyết.

http://static.mp3.zing.vn/skins/default/flash/player/mp3Player_skin2.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog/?ZS82Ny9lNjmUsICzNzNiZDM1NDmUsIC3MjYyN2UzMWMxZmRjY2Y1NTQ4YS5cUIbaBmUsICDN8QWkgddUngG7gSBzw7RdUngZyB0xrDGoW5nfMOBWeBmggVHV54WeBq_dHxmYWxzZXww

Nguồn tham khảo:

65 responses to “Ai về sông Tương …

  1. Sông Tương của bạn Cua rộng bao nhiêu?

  2. Bài này Ánh Tuyết ca mà có vua Gia Long đệm piano thì phải nói là tuyệt 😀

  3. Em nghe nói là nhờ nước sông Tương này mà Lục Vân Tiện dụ được Kiều Nguyệt Nga. Nhờ bác kiểm tra thông tin này hộ em 😀

  4. Còm thêm cái nữa cho đủ tứ quý để chặt heo bác 😀

  5. Ôi trời, vậy mà trước giờ em cứ tưởng sông Tương là một con sông nào đó ở Dziệt Nôm chứ? Công nhận là miềng dốt địa lý 😀

  6. Hồi nhỏ Mô hay nghe mẹ Mô hát bài này. Nhưng cụ hát nhỏ thôi, vì sợ cán bộ nghe he he…Sau này nghe Ánh Tuyết hát rất hay và điều quan trọng là cổ hát oang oang chẳng sợ cán bộ nào nghe cả he he…

  7. Bác Cua nghe Sĩ Phú hát bài này chưa? Bác nghe thử xem nhé.

  8. Ui chao! sao mà lắm tương quá, nhưng tương gì thì tương vẫn thua … Tương Nam Đàn đó chú ơi.

    • Em thì cứ phải là tương Bần quê em mới đúng là nhất!

      • Chu choa, cuadong mà lại ở Hưng yên à ?

        • Thì em đã nói em là đồng hương với nhãn lồng mà. Giờ chị HB nói mới nhớ ra quê em còn có cả tương Bần nữa 😀
          Từ Bần yên nhân (có phải là người yên phận nghèo?) về quê em chưa tới chục cây số.

          • Tương Bần xưa nổi tiếng, bây giờ hiện đại hóa nên mất ngon.
            Hình như có cụ đồ Nho dịch khác với Cua : Bần yên nhân là Nghèo túng trị Người. Dân nghèo đói họ chỉ ước no, còn có tý chút là học đòi lắm chuyện, thậm chí còn đòi Dân chủ đa nguyên nữa cơ!!!.
            Do đó, muốn có tương ngon là phải Cũ hóa( Các món ăn cũng vậy), trong đó quan trọng phải Cũ hóa nhanh là các lễ hội, thờ cúng… để Ngu Dân dễ trị.

            😀 😀 😀

          • Cũ hóa tức là Hủ hóa, không nói thế được bác ạ, phải nói khác đi cho nó sang chứ bác. Nói thì mất gì mà phải tiết kiệm 😀

  9. Cứ theo kiểu tương – lú này thì sắp tới nhẽ thêm nhiều sông Tương !
    Cảm ơn @cuadong2010 đã cho biết thêm những thông tin quý giá.

    • Có một sông Tương để “bên Tiêu Tương còn thương tiếc nuối nghìn trùng” cho Hòn vọng phu rồi, giờ mà thêm nhiều sông Tương nữa thì sợ quá nhỉ bác Trà ơi -^-

  10. Thực lòng văn anh cua thua xa Balzac mí lại Vũ Bằng, vô nhà anh chả thích đọc chỉ muốn ngắm anh thôi
    Người đâu mờ đẹp trai chi lạ…

  11. Phải thừa nhận là Cua viết bài Giới thiệu-Nghiên cứu tác phẩm âm nhạc tuyệt thật. Đúng là dân …. Xây dựng. 😀
    Mà đọc xong thì mình mới hiểu tại sao thằng nhân viên hồi xưa của mình nó bảo : Báo cáo anh, thằng ý với con ý chúng nó tương nhau ạ !
    😀 😀 😀

  12. mote&cua@
    …..
    Cô ấy được cả người lẫn nết, xinh xắn, siêng việc, lại hát hay. Từng đi hát nhiều nơi, cũng được thưởng cả huy chương. Các ông trên xã có chuyện gì với nhau tôi không biết. Tôi suốt ngày ở ngoài đồng với đàn vịt, không mấy để ý. Nhưng có chuyện, trên xã bao giờ chả có chuyện. Cái ông chủ tịch xã là một họ, còn ông bộ đội mới về lại họ khác. Ông bộ đội mới về này có tình ý với cô Thơm, trai gái văn nghệ với nhau như lửa gần rơm. Thế rồi một hôm, cả trung đội dân quân được báo động, ông chủ tịch xã chia quân mấy mũi ra đồng đánh giặc. Tưởng là giặc thật, hoá ra đưa về chỉ mỗi cô Thơm. Ôi trai gái có lẽ biết đề phòng, đưa nhau ra giữa đồng không mông quạnh cho dễ canh chừng, trải rạ ra bờ cỏ ngồi tâm sự với nhau. Khi ông chủ tịch xua quân ra thì hai người phát hiện được từ xa. Anh con trai chạy thoát. Chỉ bắt được cô Thơm, cô ngồi nguyên, không chạy. Ông chủ tịch phát điên lên, vì bỏ công bố trí, theo dõi rồi tập kích bài bản như thế mà không bắt được kẻ thù, không bắt được trai trên gái dưới, để ròng chúng tồng ngồng như thế về xã thì uổng quá!

    Cô Thơm nhất định không khai gì hết. Mà ông chủ tịch, ông công an đã hỏi như hỏi cung. Câu chuyện hơi tục một tý. Tra: – Cô ngủ với nó rồi phải không? Nói thật đi! Nhất định ngủ với nhau rồi, khai ra! Không ngủ với nhau tại sao phải đưa nhau ra giữa đồng ?…Hự, khai, chúng mày đã gì nhau chưa? bụp,
    Cứ thế . Nhưng cô Thơm chỉ một mực không là không. Cô nói: Cô buồn nên ra ngồi một mình, các ông đừng gắp lửa bỏ tay người. Các ông bảo người ta hủ hoá thì hủ hoá với ai, người đó đâu, chỉ ra. – Phụ nữ mà như thế thì cũng đã cứng cỏi lắm. Chủ tịch, công an xã với cả trung đội dân quân xem ra đuối lý. Ông chủ tịch như bị chọc tiết , mắt long lên, đập bàn đánh rầm một cái:

    – Con đĩ, mày già mồm. Xem mày có chịu ký vào biên bản không nhé . Các đồng chí dân quân! Tụt quần nó xuống, vành …nó ra, hãy khám kĩ. Có tinh dịch đàn ông trong ấy là nó trắng mắt ra.

    Sáng hôm sau – ông lão chăn vịt nói tiếp – Tôi đưa vịt ra đồng sớm, nhìn thấy cái bóng trăng trắng mờ mờ dưới đáy ao. Một xác người! Tôi dựng cả tóc gáy lên. Có lẽ cô chết vì không thể chịu đựng được trên đời này lại có sự nhục mạ con ngườI đến như vậy. Đúng là hôm ấy cô Thơm mặc cái áo sơ mi trắng và tóc buông xõa sau lưng.
    Hi hi, chiện ni xảy ra thời nào hở các bác

  13. Kẻ sỹ trước năm 1975, cả hai miền Nam-Bắc, thường lấy tích xưa để chuyển tải những cảm xúc, suy nghĩ của mình về nhân tình thế thái. Ngày nay, cũng còn những người như vậy nhưng phần lớn họ cảm thấy không phù hợp với trào lưu văn hóa ngày càng biến tướng do nhu nhập lối sống, chuẩn mực của phương Tây.

    Chắc Cuadong2010@… đang hoài niệm về “dòng sông Tương” của mình chăng ?
    He he..

  14. Úi, đúng bài tủ của Gà già thi đấu Karaoke với lớp trẻ, chơi bài này tụi nó chỉ há mồm, khóc! (chờ lâu). Cảm ơn về thông tin, xin Cua.

Gửi phản hồi cho Lưu Giao Hủy trả lời