Album ảnh

Thắc mắc của kẻ mới nhập môn về CNCS

Hồi mới học triết học Mác – Lê, khi được dạy rằng xã hội loài người tiến hóa theo đường xoáy ốc từ cộng sản nguyên thủy tiến lên chế độ nô lệ, phong kiến, tư sản rồi quay lại (ở trình độ cao hơn) chế độ cộng sản văn minh, trong đầu tôi tự nhiên nảy ra mấy câu hỏi không đâu mà không hỏi ai được, bởi sinh viên hồi đó ít có thói quen hỏi lại thầy những cái ngoài giáo trình, nhất là lại hỏi các thầy môn triết học. Và vì không hỏi được ai nên những câu hỏi ấy cứ ám theo tôi suốt đến tận bây giờ.

Bỏ qua một điều rằng với những cách định nghĩa khác nhau và các quan điểm khác nhau sẽ dẫn tới việc nhìn nhận và phân chia các giai đoạn tiến hóa của XH loài người theo những cách rất khác nhau, tôi vẫn nhớ thắc mắc đầu tiên của tôi khi đó là làm thế nào mà Marx có thể tiên đoán rằng sau sự phát triển của CNTB, vào thời của Marx mới đang ở thời kỳ sơ khai, sẽ là CNCS (nếu không kể những lời xưng tụng rằng thế mới chứng tỏ thiên tài của Marx) chứ không phải là một hình thái khác. Một thắc mắc đơn thuần về học thuật chứ không hề có ý nghi ngờ về tính tất yếu của chế độ ưu việt của chúng ta.

Thắc mắc này không được giải thích bởi thực tế mà tôi nhìn thấy mà ngược lại càng lớn dần khi tôi chứng kiến những thay đổi của xã hội hiện đại. Bởi nếu nói như Mác, XH loài người đã đi từ chỗ không có tư hữu tư liệu SX (cộng sản nguyên thủy), sang chế độ TLSX nằm trong tay giai cấp thống trị (phong kiến), rồi sau đó TLSX nằm trong tay tầng lớp tư bản bóc lột, nghĩa là nằm trong tay một thiểu số người trong XH (nhưng không nhất thiết là kẻ cầm quyền, tuy rằng có thể điều khiển được kẻ cầm quyền), đó chính là xã hôi TBCN. Và Mác đã tiên đoán để cho ngày nay chúng ta làm theo, rằng CNTB thối nát sẽ giãy chết theo quy luật tiến hóa, nhường chỗ cho CNCS ưu việt hơn nhiều, nghĩa là TL SX sẽ từ chỗ nằm trong tay một nhóm người sẽ trở thành của chung của toàn xã hội, nhưng không phải là không thuộc về ai hay ai cũng có quyền sở hữu, mà có nghĩa rằng không có tư hữu TLSX (nói thực là khái niệm này cực kỳ phức tạp và khó hiểu, tôi chỉ nhớ mamg máng và nói lại như con vẹt chứ không hiểu rõ nó có ý nghĩa là gì).

Thế nhưng dường như trong XH ngày nay, TLSX không còn nằm trong tay một thiểu số người như trước mà đang dần dần thuộc về số đông với xu hướng cổ phần hóa, hay phát triển kinh tế nhỏ tiểu TS, hay các loại dịch vụ muôn màu trong XH. Có vẻ như XH không chịu đi đúng theo con đường mà Mác tiên đoán, trừ khi ta bắt buộc nó phải tuân theo ý muốn của mình bằng ý chí cách mạng hay quyết tâm chính trị, ví dụ như ở Bắc Triều tiên, hay ở mức độ thấp hơn là Cuba ngày nay chẳng hạn.

Một điều nữa là thời đại công nghệ và tri thức ngày nay đã sinh ra nhiều khái niệm mới không nằm trong những khái niệm ban đầu của Mác về TLSX. Chẳng hạn với những công ty như Google hay Microsft, có lẽ thật khó mà nói đâu là tư liệu sản xuất, cái máy tính, cái tủ tài liệu hay cái đầu của các nhân viên để mà xóa bỏ tư hữu về TLSX, và các nhân viên (kể cả các giám đốc này nọ cũng chỉ là người làm thuê, tức chỉ là nhân viên cao cấp) đã bị bọn chủ tư bản đã bóc lột dã man đến đâu so với niềm hạnh phúc của những người lao động đang làm chủ tập thể ở ta chẳng hạn. Tất nhiên là bây giờ Mác không thể nói gì thêm về những khái niệm này, đây là việc của những nhà nghiên cứu lớn, thiên tài, như hàng chục năm nay họ vẫn làm. Họ sẽ mổ xẻ, phân tích thật kỹ từng câu, chữ của Mác rồi vận dụng linh hoạt, sáng tạo các khái niệm của Mác để mang lại cho những khái niệm này một tầm cao mới (mà có khi Mác sống lại cũng không thể làm tốt hơn được) tuy vẫn mang tên là của CN Mác, để sao cho thực tế vẫn phải phù hợp với những khái niệm này, qua đó chứng tỏ rằng CN Mác – Lê đúng là kết tinh của đỉnh cao trí tuệ, là sức mạnh vô địch trường tồn, xứng đáng để chúng ta chọn làm nền tảng, là kim chỉ nam, v.v và v.v…

Một thắc mắc nữa cũng nảy ra từ hồi đó là cái hình xoáy ốc mà Marx nói tới là một hình xoáy ốc mở hay đóng, hay nói một cách khác, sau khi đạt tới chế độ cộng sản rồi thì xã hội loài người sẽ mãi mãi dừng lại ở chế độ CSCN mà không biến đổi hay tiến hóa thêm gì nữa, giống như triết học Mác và CN Mác _ Lê mãi mãi không bao giờ cũ (bất hủ) hay sẽ phát triển tới hình thái nào? Và nếu phát triển thêm thì có phải là diễn biến hòa bình không? Rất nhức đầu và nếu nói không ngay ngắn thì rất dễ trở thành phản động hay bị bọn phản động hoặc các thế lực thù địch lợi dụng!

Nhiều lúc tự thấy chán cho cái hiểu biết ngu ngơ của mình, sau bao nhiêu năm rồi mà vẫn chẳng hiểu, chẳng ngộ ra được điều gì khả dĩ trả lời cho mấy cái thắc mắc từ đời nảo đời nào.

Nhưng rồi lại tự an ủi mình rằng thôi thì dù có ngu vẫn còn hơn là bị tự diễn biến.

Tháng 1/2011

70 responses to “Thắc mắc của kẻ mới nhập môn về CNCS

  1. Bài này của bác em phải ngâm cứu kỹ mới được. Nói ra giờ e là võ đoán!

  2. Những bài của bác làm những người trẻ như em phải suy nghĩ nhiều!

  3. Thực ra, một số nước đang tiến dần tới CNCS đó. Chẳng hạn như Nhật bản, Thụy sỉ, Thụy Điển.. Tất nhiên quá trinh đó diễn ra lầu dài chứ không bỏ qua giai đoạn quá độ như ta. Mọi thứ phải tuân theo quy luật, chúng ta đam làm trái quy luật và đang dần dần điều chỉnh để cho mình không bị trật khỏi đường ray sự phát triển của nhân lại. Chẳng qua chế độ chính trị của mình khác họ thôi, còn xã hội thì gần như đã là TBCB rồi. Chẳng phải đảng viên có quyền làm kinh tế, có quyền sở hữu TLSX, của cải vật chất đó hay sao.

  4. đọc bài ni em lại nhớ hồi học môn Chính trị ở trường Cấp 3 , suốt ngày thầy vẽ cái cày chìa vôi rồi sơ đồ tiến lên CNCS….

  5. Thắc mắc của bác có giải thích đấy. Bác về đọc lại trọn bộ LN toàn tập sẽ rõ. Thông cảm, bởi lâu quá nên em không nhớ nó nằm ở quyển nào 😀

  6. Bây giờ thì thế giới đã hiểu rất rõ đâu là cái hạn chế, cái “sai” của học thuyết Mác rồi. Đúng là ngày xưa cực kỳ ấu trĩ – mà biết bao điều còn ấu trĩ hơn là việc nhận thức học thuyết này. Một ví dụ nhỏ: quần loe, tóc dài (hay ngắn) chẳng hạn.
    Cho nên, bệnh giáo điều là rất tai hại. Đáng tiếc, giáo điều đang quay trở lại và có khả năng phát triển thêm dưới vỏ bọc khác – tất nhiên!
    Khi học kinh tế – chính trị M-LN, tôi hết sức ngạc nhiên cái quy luật “năng suất lao động tăng không ngừng dưới chế độ XHCN” và CNTB sẽ kìm hãm sự phát triển của KH-CN, do nó chạy theo lợi nhuận!? Lịch sử đã chứng minh ai đúng, ai sai và lịch sử thường không dành cho những ai không phải thiên tài!

    • Chào bác, em thấy rất lạ là cả thế giới đã hiểu rất rõ đâu là cái hạn chế của học thuyết Mác, chỉ riêng ở VN là không được hiểu, vẫn xưng tụng như đỉnh cao duy nhất của trí tuệ nhân loại và bắt mọi người phải tin theo.
      Cám ơn bác đã ghé qua và chia sẻ.

  7. Em không biết gì để nói, chỉ thấy sao nước người ta tư bản, dân người ta có mức sống cao, được học tập, được hưởng thụ, … Còn mấy nước XHCN sao mà khổ sở quá, dân XHCN không ở lại trong nước với chế độ ưu việt nhất, lại cứ tìm đường qua sống ở các nước TB là sao? Theo em thì nhìn vào thành quả là mức sống của người dân để đánh giá, lý thuyết thì trừu tượng quá, hơn nữa nói thì hay, làm thì dở, thà chẳng nói gì hết mà cứ làm cho tốt. Mấy thằng TB nó có cần nêu chủ thuyết gì đâu? bác cứ loay hoay với mấy cái rối bèng beng này em e rằng phải kiếm cho bác 1 chỗ ở Biên Hòa 😀

  8. Thực ra , ngay tứ khi bắt đầu biết chữ thì tôi đã coi CNCS như một phát minh cho loài người thêm một ” cái gì đó ” để …. thờ.
    Cũ thì có : Thánh ALA, chúa Giê su, rồi Phật Thích Ca,… nay thêm một cái gọi là CNCS nữa mà thôi.
    Không có gì đảm bảo là những thứ viết ra từ một ông râu dài là đúng – nó như các câu sấm truyền miệng dân gian mà thôi.
    Vậy đó, nhưng nếu khả năng nó đúng thì những kẻ nắm quyền cai trị trong một nước CNCS vẫn là những con người – như bộ máy lãnh đạo đất nước ta hiện nay !
    Nhiều khi không có hay hơn!

  9. M là thiên tài, Ln là thiên tài – em nghĩ điều này chắc chẳng ai phủ nhận. Nhưng, vâng, nhưng cho dù có là super-thiên tài đi chẳng nữa thì những quan điểm, những tư tưởng mang tính cá nhân luôn tiềm ẩn tính chủ quan và tồn tại những bất cập khó tránh khỏi [hình như khi vào V… nó mới được bổ sung và hoàn thiện :D]. M chủ trương cái mới sinh ra từ cái cũ, phủ định cái cũ và đến lượt mình lại bị cái mới hơn phủ định. Xem nó bất diệt tức là đã đi ngược lại với quan điểm của M và là cực kỳ… phản động [theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa trắng]. Hơn nữa, vai trò của cá nhân kiệt xuất thể hiện ở tại thời điểm và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tức là phải có điều kiện nghiệm đúng. Phủ nhận sạch trơn M là sai, máy móc, giáo điều lại càng sai. Nói ra câu này em cũng biết thế nào bác cũng nói câu: thế mới “vận dụng linh hoạt” 😀

  10. Học thuyết Mark-Lenin ư? Tất nhiên là học thuyết xịn rồi- nhưng cái gì nó cũng chỉ đúng trong một giai đoạn lịch sử thôi. Vì tư duy-sáng tạo vốn là thuộc tính của con người, nên dù là thiên tài, thì M-L vẫn không thể tiên đoán được chính KHKT – CNTT phát triển tốc độ, như vũ bão, nó đã làm xoay chuyển tất tần tật cái gì mà.. bản chất XH Tư bản, tính ưu việt của XHCN !!.. cuộc sống của “giai cấp bị bóc lột” đã tự điều chỉnh nhờ từ sự phát triển của KHKT, chẳng cấn nhờ đến cuộc đấu tranh giai cấp nào cả.. Vì thế, Khái niệm “bóc lột” cũng bị hoán vị, nó chạy núp ở đâu thì có trời mà biết. Và hình như nó kết thông gia với họ nhà “bóc lủm” rồi, sống rất ung dung ở những nhóm lợi ích vẫn cố tận dụng M-L làm dây cương và chiêu bài cho mình . Nói vậy, chẳng biết đúng sai, quý vị đừng cười-chỉ là vì dân hèn có ngu lắm cũng nhận ra một điều càng gia cố xây dựng thì càng lộ đặc quyền đặc lợi nhiều quá.. Chỉ khổ cho dân. hu..hu..

  11. em nghĩ là người ta dựa vào đó thôi…

  12. Quanh đi quẩn lại cũng là chuyện con người, muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN, mà ….
    Thôi, em đi quánh bi-da với các đồng chí của em đây, không làm lãnh đạo thật sướng 😀

    • Chú định nói “muốn có con gà thì phải có quả trứng, muốn có quả trứng thì phải có con gà” chứ gì? Trứng hay gà, cứ cho vào gặp Bàu đá của lảo sư Phan là đâu về đấy tất 😀

  13. Và vì không hỏi được ai nên những câu hỏi ấy cứ ám theo tôi suốt đến tận bây giờ.
    ——-
    Oi thuong anh Cua ghe co!

    ——

  14. Hôm nay tranh thủ qua đây ghi tên, kẻo chú bảo bác không chịu ôn bài vở cũ.
    Bây giờ mà chú lúc nào cũng Mác với Lênin thì bái phục chú rồi 😀

    • Thế bác không nghĩ gì tới Mác – Lê à? Thế thì hỏng, hỏng nặng rồi, mất quan điểm, mất lập trường, mất rất nhiều thứ rồi. Bác phải xem mình còn gì không, xem lại xem đã bị tự diễn biến chưa, 😀

      • Chời! Hôm nay chú cho bác một bài học lớn. Chủ nghĩa Mác-Lênin khi ta làm bài kiểm tra thì đừng có mà sai lập trường, quan điểm, sai chủ trương đường lối lãnh đạo của Đảng, phải bê y nguyên nhứng thứ đó vào nếu không muốn xơi điểm tròn, còn thực tế thì nó đã biến tướng từ lâu rồi chú ơi. ?
        Trước đây đảng viên làm gì được làm kinh tế tư nhân, còn bây giờ thì…

        • “Trước đây đảng viên làm gì được làm kinh tế tư nhân, còn bây giờ thì…”
          Thì bác cứ nói luôn là bây giừ ĐV được làm nhà tư bản (cho đúng bản chất, khỏi phải làm xiếc từ ngữ), có sao đâu. Đó là vận dụng sáng tạo lý luận abc, là CNXH mang màu sắc xxx …

  15. Em chào anh cuadong.Em cũng đồng ý với anh, em nỏ được học nhiều, không viết được lối văn “chính tắc” nên em cứ nói theo kiểu dân dã vậy.Hồi học cấp 3, khi học Văn, em cũng lúng túng, bùng nhùng, ngụp lặn..đánh vật với mấy khái niệm tính Đ, tính đại chúng, tính dân tộc, tính khoa học, tính..tính tính..tính tang tang tình..rất khổ.Hồi về vừa rùi gặp con cháu học thạc sĩ Văn tại ĐHSP HN vẫn thấy mấy cái “Ní nuận” ấy..em chẳng hiểu mần răng.Thực tâm em nghĩ ,răng các thầy cô soạn sách nác mình cứ….”ngủ” mãi với mấy cái khái niệm cũ kĩ rứa.Chả nhẽ hàng trăm cuộc hội thảo, hàng nghìn cuộc giao lưu trong ngoài nác không “đánh thức” tí gì trong họ. Chả nhẽ họ cứ là “Học giả” mãi răng ??Khi đọc mấy cái khái niệm ní nuận vonag quanh ..bản thể..chủ thể nội hàm..ngoại hàm của mấy vị TS Văn mà em thấy buồn n quá. em chào anh cua nhé

    • Tráng sĩ qua chơi mà em không kịp nghênh đón, thật là thất lễ quá. 😀
      Em lại không khổ như bác, hồi học văn ở cấp 3 em cứ y bài thầy giảng mà phê phán thẳng cánh cụ Nguyễn Khuyến tiêu cực, cụ Nguyễn Du không có tinh thần chiến đấu, rồi bác Nguyễn Công Hoan hạn chế vì không có tầm nhìn giai cấp v.v… Trẻ con nhưng mà thấy các cụ không có nhiều thứ “tính” như mình. Sướng lắm bác ạ.

  16. Úi giười ơi nà giời, em thương anh cuadong quá, cứ một mình “trần trụi” đánh vật với mớ ní nuận hàng mấy chục năm. Chả ai giải thích cho anh cua của em hiểu cho ra ngô , ra khoai.Những ngài có trách nhiệm, là thầy, là cấp trên trong guồng máy nhà nác thì họ bảo ….Vớ vẩn ra chỗ khác chơi,,hỏi mần chi, hỏi lắm rứa, mấy thứ đó gọi chung là Ngũ cốc, tách bạch mần chi kẻo có ngày nặng thì bị tội hai chiếc còng đứng thẳng (88), nhẹ thì ngồi chơi xơi nác.Vâng ạ, nỗi “Bí ẩn” ni không của riêng ai.Hồi bé học cấp 3 em cũng vật lộn mãi với mấy tử tính Đ, đại chúng, dân tộc, khoa học..trong văn học mà vẫn thấy ngu ngơ, tù mù đến tận bây giờ vẫn tự hỏi không biết tính Đ lại cần đến rứa, thế ở mấy cái nác của bọn Đế quốc thực dân bọn chúng có cần cái tính ni không mà mấy cái truyện, tiểu thuyết của chúng hay đến rứa ???

    • Bọn đế quốc chúng nó không có mấy cái tính ni nên văn học của nó chỉ hay một thời thôi, bao giờ người ta thấy nó không hay thì nó sẽ dở (!). Cũng như bản thân chúng nó giãy chết từ bao nhiêu năm nay, có người đứng xem, xem lâu quá chết rồi mà nó vẫn giãy. Sống như nó thì sướng cái giề?

  17. Chà, lao động hăng say quá bác hè 😀
    Bác Cua là sướng nhứt, tránh được cái lạnh xứ Bắc đang cóng cả xương!

  18. Bác Cua thân mến, em gửi bác link của băng Sơn Ca 7, nhạc lossless không nén nên âm thanh rất chuẩn.
    http://forum.wru.edu.vn/forums/p/13003/57293.aspx
    Bác download các file về, giải nén, nó sẽ có 2 mặt A và B (như 2 mặt băng casette).
    Để thưởng thức được định dạng nhạc chất lượng cao này bác phải cài phần mềm: foobar2000, link của nó đây:
    http://www.foobar2000.org/download
    Sử dụng phần mềm này để nghe nhạc bác nhe.

    Hàng hiếm nên hơi nhiêu khê chút nhưng chất lượng thì ngon như nghe băng gốc đấy bác ạ (gấp chục lần so với mp3)
    Em chào bác thân ái và quyết thắng! 😀

  19. Hiểu nó chỉ có một ông Trần Đức Thảo, đã chầu giời.
    Cỡ Trần Phương: “nói XHCN mà không biết nó là cái gì? dối mình, dối người”
    Nguyễn Trung thì: “Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là gì.”
    Còn em dân ngu cu đen, mãi yêu lý tưởng Cộng sản vì nó đem lại niềm tin con cháu em sẽ đổi đời quét lá đa.

    • Bác cứ nói thế chứ, ngày nay “bán tự vi sư” nghĩa là bán chùa đi vẫn còn lại một ông sư ( 😀 ), lấy đâu ra lá đa mà quét nữa, lo gì mà không đổi đời.

  20. Chà, bà con gom góp ý nhiều ghê. Với Ct thì
    1. Thằng TB đen ăn cái giá trị thặng dư của người lao động. Nhưng cái giá trị thặng dư là gì nhỉ, cái giá trị dôi ra chăng? làm sao để biết? à, thì biểu tình đòi tăng lương.
    Thằng TB đỏ có ăn cái giá trị thặng dư của người lao động không ta? vẫn là câu hỏi đó, làm sao để biết? biểu tình à? xin phép nhé, nếu không cho phép cấm được biểu tình.
    2. Muốn tiến lên CNXH (tức CNCS) thì cần có con người XHCN, hơi khó một tý, có thể rút kinh nghiệm của bác Chinh 53-56, bác Tô 2010 hoặc của Giáo sư Nhựt Ishiguro 2010 là có thể thấy thành công.

  21. Bữa rồi HĐ viết trên Dân Luận đôi khi ta hát hành khúc hay lẩm nhẩm thơ TH mà khg ngờ rằng cái sự tuyên truyền hắn thấm sâu như thế. Có những người đã qua đời khá lâu mà DNA của họ còn lẩn quất đâu đó trong cộng đồng. Cũng như DNA của một thời đấu tranh ý thức hệ gay gắt, để lại biết bao di họa cũng như dấu vết tội ác. Có ai hay rằng từ sau khi giải mã bộ gien người, các nhà khoa học dự báo rằng thế kỷ 23 sẽ nghiên cứu về giáo dục con người và tk24 mới bàn về ý thức hệ, trên cơ sở khoa học về gien.
    Các cụ Mác Lê Mao thiên tài thật. Nên những vấn nạn của CĐ/CĐg cũng y chang như mình- ăn cơm dương gian mà nói chuyện thiên tào. he he !

Gửi phản hồi cho ha linh Hủy trả lời