Album ảnh

GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM

Cách đây không lâu, trên blog của Po có bài viết “Điều bí ẩn trong tình khúc mùa xuân duy nhất của Đoàn Chuẩn”. Vốn yêu thích các tình khúc của Đoàn Chuẩn – Từ Linh (và cả tình bạn của hai người cùng tính cách của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nữa, theo những gì người ta viết về hai ông) nên tôi đã rất chú ý tới bài này. Mặc dù đã từng biết đôi chút về hoàn cảnh của nên âm nhạc VN như chuyện bài hát Bến xuân của nhạc sĩ Văn Cao có một phiên bản khác là bài Đàn chim Việt, tôi vẫn hết sức bất ngờ vì những thông tin trong bài viết. Hóa ra một bài hát tưởng chừng rất quen thuộc được ưa thích lâu nay chỉ là một phiên bản không đầy đủ!

Và tôi đã tìm thấy địa chỉ này, theo đó thì “Gửi người em gái miền Nam” có lẽ là tình khúc mùa xuân duy nhất của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ông viết bài hát vào năm 1956. Bài hát viết theo khúc thức ba đoạn A – B – A mà Cung Tiến và sau này là Trịnh Công Sơn thường sử dụng viết tình khúc. Trước đó, Văn Cao đã viết Suối mơ cũng với khúc thức này. Tài tử Ngọc Bảo là ca sỹ được chính tác giả chọn hát bài này đầu tiên. Sau khi thu thanh, bài hát đã được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam. Nghe nói, tài tử Ngọc Bảo đã luyện mất cả tháng trời mới có được tâm trạng giống như của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn khi thể hiện phần đầu của bài hát, đến nỗi chính nhạc sỹ cũng phải khâm phục khi nghe ông hát. (Vì thế nên tôi nghĩ có thể tin được rằng bản do tài tử Ngọc Bảo hát là bản gần với nguyên tác của Đoàn Chuẩn nhất).

Và đây là lời bài hát do tài tử (chỉ là tài tử, không phải là ca sĩ ngôi sao hay NSND, NS ưu tú gì đó, vưn vưn …) Ngọc Bảo trình bày:

1.Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ… mà chi.

Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.

Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi
Mắt huyền trìu mến yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Hoa tình yêu!

Nhưng… một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt
Nàng đi… gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.

Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền
Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu… mà đi.

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

2. Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ
Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng
Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương.

Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.

Em! Tháp Rùa yêu dấu
Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa
Thu đã qua những chiều nên ý thơ rất nhiều
Cả … tình yêu!

Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
Trời ta hết màu tang
Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân.

Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng
Dằn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi vào Nam.

Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ miền quê qua sương lam
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!

Nhưng không lâu sau đó, vì nhiều lý do, bài hát đã không được tiếp tục phổ biến ở miền Bắc.

Sau này, bài hát được đưa ra công chúng miềnNamvới tên gọi “Gửi người em gái” và ca từ của bài hát không còn giữ đúng như lời do nhạc sỹ Đoàn Chuẩn viết nữa. Đó cũng chính là phiên bản hiện đang được phổ biến rộng rãi mà lâu nay nhiều người vẫn tưởng rằng đó là bài hát do Đoàn Chuẩn – Từ Linh viết, mặc dù khi so với bản gốc người ta mới biết rằng nó đã phá vỡ cấu trúc và bóp méo cả nội dung, ý tứ của bài hát. Chẳng hạn như đoạn cuối lời 1:

Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!

Đã bị đổi thành

Em tôi đi, màu son lên đôi môi

Khăn san bay, lả lơi bên vai ai

Nhìn xác pháo bên thềm

Gợi lòng tôi nhớ tới người em.


Còn bản thân câu hát : “Em tôi đi, màu son lên đôi môi / Khăn san bay, lả lơi bên vai ai / Trời thắm gió trăng hiền / Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên”, vốn được đặt trong giấc mơ đoàn tụ “Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng / Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương”, gợi tả một nỗi niềm mong ước rất đẹp thì trong lời hát bị tráo đổi kia đã trở nên khác hẳn, đầy cay đắng và chua chát.

Câu kết của bài hát:

Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ miền quê qua sương lam
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!

Nếu nghe câu này vào thời nay thì có thể không thấy gì đặc biệt. Có lẽ chỉ những ai đã từng sống vào thời kỳ đất nước còn bị chia cắt trong khói lửa chiến tranh mới cảm nhận được nỗi đau trong giấc mơ, trong niềm khát khao, hy vọng rất xa vời này, mới hiểu được tác giả có lẽ phải là người có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu mới có thể mơ một giấc mơ đẹp đi trước hiện thực hàng chục năm trường như thế. Nhưng trong phiên bản được phổ biến nhất lại không có câu này, và vì thế rất ít người biết tới!

Về tài tử Ngọc Bảo, ông đã không hát trong khoảng thời gian dài từ 1957 đến 1990. Khi ông hát trở lại, ông được đón nhận nồng nhiệt không chỉ bởi những người cùng thời với ông mà cả những người thuộc thế hệ con cháu của ông cũng vô cùng yêu mến giọng hát của ông, dù ông không còn được  nhiều người biết tới như xưa. Ông mất vào năm 2006 ở độ tuổi 80.

Bài hát đang nói tới ở đây được thu âm khi ông đã bước sang tuổi 74, độ tuổi xưa nay hiếm. Vào tuổi ngoài bảy mươi này giọng hát của ông chắc không còn được như thời đỉnh cao, có thể làm cho ai đó nhận xét không quá rằng ông hát bài này nghe ỉ ôi quá. Riêng với tôi, khi nghe ông hát bài này tôi như được thấy lại cái chất nhẹ nhàng, tinh tế đến dễ bi tổn thương của người Hà nội xưa, và mỗi khi giọng ông vút cao như trong câu hát “Em! Tháp Rùa yêu dấu / Còn đó nên thơ…” tôi lại cảm thấy như chất lãng mạn, bay bổng của những chàng công tử Hà nội năm nào chợt lóe lên trong tiếng ca của người ca sĩ tài tử …

Không nhiều chất bay bướm giống như trong bài hát do tài tử Ngọc Bảo thể hiện, bài hát do nghệ sĩ Lê Dung trình bày lại mang đến một cảm nhận khác, nhất là khi trong phần nhạc đệm có mặt cây đàn ghi ta Hawaii, một điều rất hiếm gặp trong phần nhạc đệm các bài hát hiện nay. Âm thanh đặc biệt của tiếng đàn ghi ta Hawaii vấn vương trong phần đệm cũng góp phần tạo nên một cảm giác đặc biệt khi nghe bài hát qua giọng hát của nghệ sĩ Lê Dung. Và nếu ai đã từng bị âm thanh thánh thót, du dương đôi khi đến ma mị của cây đàn ghi ta Hawaii quyến rũ cho mê mẩn thì có thể nghe bản nhạc không lời từ bài hát này do Phan Anh Dũng (saxophone) và Đoàn Đính (ghi ta Hawaii hòa tấu) tại đây. Có lẽ cũng nên nói thêm rằng nghệ sĩ Đoàn Đính là con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, cũng là một nghệ sĩ đàn Ghi ta Hawaii.

*****

Vĩ thanh:

Dù vì lý do gì, thật sự vì hoàn cảnh chiến tranh hay vì đố kỵ thì việc ngăn cấm những bài hát rất hay của một thời, như “Gửi người em gái miền Nam” hay “Những ánh sao đêm” vẫn là những hy sinh không thể đo đếm được của dân ta vì chiến cuộc, một sự hy sinh còn để lại hậu quả đến tận ngày nay, và cũng là những điều đáng tiếc.

Và dù vì lý do gì, thì việc những bài hát, những đứa con tinh thần không chỉ của những người sinh ra chúng, trong khi phổ biến ra đại chúng vẫn hồn nhiên bị xuyên tạc, bóp méo do vô tình hay cố ý mà không có một cơ quan quản lý nào để ý xem và có ý kiến là một điều rất đáng tiếc, đáng phải suy nghĩ.

Tháng 4/2011

Tham khảo:

 

( http://www.youtube.com/watch?v=a8AZnUxsKQo )

(http://mp3.zing.vn/bai-hat/Gui-Nguoi-Em-Gai-Mien-Nam-Le-Dung/IWZB9D79.html)

(http://nhac.vietgiaitri.com/album-nhac/hoa-tau-gui-em-nguoi-con-gai-mien-nam-9-tinh-khuc-doan-chuan-3746.vgt)

(http://www.m-mosaic.com/blog/read/746)

(http://www.vietmusic.net/showthread.php?t=11503)

 

 

 

193 responses to “GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM

  1. Em thích ca sỹ tài tử Ngọc Bảo lắm, hồi còn sinh viên được nghe bác ấy hát rồi..Giờ bác đã là người thiên cổ…

  2. Cái ông ĐC này hình như PD thì phải (?) , ông ấy gắn với TL như cặp uyên ương ….

  3. Kua có bài viết thật công phu ! Chứng tỏ Kua có trình độ âm nhạc rất cao, chớ không phải i tờ như Mô. Nói về âm nhạc thì có lẽ Mô dốt ơi là dốt, dốt không còn chỗ mô mà để nữa 😀
    Mô cũng rất thích nghe nhạc của Đoàn Chuẩn và nói chung là của các nhạc sỹ tiền chiến. Những bài hát này được các ca sỹ của Thuý Nga Paris hát rất thành công.

    • Em viết bài này rất công phu vì phải đi cóp nhặt các nơi 😀
      Toàn là viết lại những điều người ta nói chứ em có biết gì đâu mà bác bảo em có trình độ cao, hihi …
      Dưng mà cứ nghe thấy bác khen là em khoái rồi. Thanh kiu bác 😀
      (Phong bì em chuyển sau, địa chỉ vẫn chỗ cũ phải không ạ?)

  4. Người ta đổi lời bài hát là người ta làm kiểu ” Ca khúc nhạc tiền chiến định hướng xã hội chủ nghĩa ” bác nhể . Hóa ra cái mầm ” định hướng ” nó nảy cách đây mấy chục năm , khiếp thật .

    • Lời bài hát nguyên gốc đã được định hướng XHCN sẵn rồi, nhưng vẫn không thoát được cặp mắt tinh tường và cảnh giác của các nhà quản lý và bị ngưng phổ biến (một cách không chính thức). Sau này nghe nói Khánh Ly đã đổi lời bài hát để có thể hát được ở miền Nam. Có lẽ số phận của bài hát là phải bị nhiều lần “định hướng” …

  5. Bài có nhắc đến Văn Cao nên em mời các bác có dịp đến quán Thiên thai của bạn bạn bạn của em trên đường Văn Cao Hà nội ăn uống nhé.
    Em hân hạnh được giả tiền hộ các bác

  6. Những gì về bài hát thì mọi người đã hiểu thêm sau khi đọc.
    Thực sự thì thế hệ bọn mình hồi những năm 70 cũng đã được nghe bài này với những câu hát nguyên bản:”Xuân năm nay, đường đêm Catinat”.
    Tất nhiên là hồi đó bị cấm mà chỉ nghe hát nho nhỏ vào tai nhau.
    Về sự tự ý sửa đổi câu chữ của bài hát có thể nói rất nhiều.
    Chỉ xin thí dụ:
    “Tôi đứng đây bên nhịp cầu Long biên lộng gió”.
    Bị đổi thành:
    “Tôi đứng đây trên nhịp cầu Thăng long lộng gió”.
    .
    Bài hát được sáng tác hồi còn chiến tranh phá hoại vào khoảng 1966-67.
    Cầu Thăng long được khánh thành vào khoảng năm 1983-84
    Nếu đổi như vậy thì bài hát mặc nhiên coi là đã sáng tác sau khi khánh thành cầu Thăng long.
    Tức là làm chậm mất gần 18 năm.
    Nếu chẳng may nhạc sỹ chết vào những dôi ra đó thì buồn cười nhỉ?
    .
    Ngày nay, rất nhiều ca sỹ hát bài Làng quan họ quê tôi của Nguyễn Trọng Tạo, họ đã tự ý sửa câu:
    “….Những năm bom Mỹ thả Loan Phượng vẫn ăn xoài ….”
    đây là ý đồ của tác giả cho rằng dù bom Mỹ có rơi trên đầu nhưng tiếng hát vẫn vang lên át tiếng bom.
    Bị sửa thành.

    “Người ơi làng quan họ quê tôi tiếng ca xanh ước hẹn, loan phượng vẫn ăn xoài hương thơm đồng lúa chín “.
    P/S
    Thông tin thêm về nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ông là con của nhà Tư sản chuyên sản xuất nước mắm có tiếng của Việt nam trước1945. Hãng có tên Nước mắm Vạn vân, trụ sở tại phố Trần Nhật Duật. Làm ăn rất phát đạt đã có nước mắm xuất đi nhiều nước. Ngoài ra ông còn là chủ rạp chiếu phim Đại đồng nằm trên phố Hàng Cót.
    Tất cả hai thứ đó sau cuộc cải tạo Tư sản 1958 đều được vào Công ty Hợp doanh sau đó là được Quốc hữu hóa.

    • A……a…a, …nước mắm Vạn vân, cá rô đầm Sét là vậy a, cảm ơn bố nhá

      • Giờ có món cá rô rán chấm nước mắm làm mồi nhậu cũng được đấy nhỉ? 😀

      • Vẽ chuyện, cám ơn mí lại cám lợn. Mấy hôm nay HN vắng như chùa bà Đanh. Trẻ nhỏ có mẹ nghèo chả được đi đâu. Công viên Bách Thảo cũng chỉ đông hơn ngày thường mỗi một tý.
        Nhiều người lại sợ đưa con vào đó lại phải bắt con quay mặt đi khi thấy các anh các chị làm công tác ” Lục lọi khám xét”. hi hi.

    • Ngày xưa dân Hà nội có mấy chục vạn người mà có bao nhiêu là nhà hát với rạp chiếu phim bác nhỉ. Thành ra dân Hà nội xưa chắc ham chơi lắm.
      Chẳng bù cho bây giờ, ngày nghỉ chả biết cho trẻ con đi chơi đâu. Loanh quanh hết mấy cái đu quay ở CV nước Hồ tây lại ra mấy cái chuồng khỉ ở CV Thủ Lệ …

    • “những năm bom rơi trên nhịp cầu thương nhớ”…thì ca sĩ bây chừ thường hát : những đêm trăng lên … rứa đó .Còn bài “Ngày mùa ” của cụ Văn Cao..có câu nhớ công ơn Già Hồ thì bây giờ họ cũng hát thành ..Nhớ công ơn Bác Hồ…Bài Sông Dakroong mùa xuân về thì Bok Hồ được đổi thành Bác Hồ cho “Dễ hiểu” mặc dù chữ Bok trong tiếng miền núi Tây nguyên là tiếng kính trọng.Rồi bài Bóng cây Kơ nia cũng được hát chệch thành Trời sáng cho nó “thanh” mà làm mất đi ý nghĩa buổi sáng, buổi chiều, chứ nguyên thủy là : Buổi sáng em làm rẫy..thấy bóng..

  7. con gái chết non, hoặc con gái đẹp làm ngả nghiêng thiên hạ những té ra lại là yêu quái… thảm quá, xem tây du ký em nản nhất là e é cái bọn nhền nhện. Bác cuadong vào nam thấy hay và đời hơn hẳn không?

  8. Bài viết công phu và hay đáo để. Đọc xong mới thấy mình dốt nhạc làm sao! Nhưng khoản Đàn thì mình mê tít, từ đàn Bầu cho đến Guitar, nhưng khoái nhất vẫn là Đàn Bà. Hôm nào có Đàn Bà thì gọi mình nhé, cảm ơn trước! 😀
    P/s: Còn cái khoản cắt xén, thay đổi …. thì đấy là trò chơi Chính trị, khoản ấy mà bàn thì phải treo cổ khối đứa ( Nói nhỏ thôi, kẻo chúng nó lại treo cổ mình đấy. Thanh xờ nhìu nhen!)

  9. Hay này:
    “Xuân năm nay, đường đêm Catinat
    Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
    Dần trắng xóa mặt đường
    Một người em gái nhớ người thương”

  10. Té ra từ hồi đó mình đã có… nhạc chế à bác? Em e không phải là vì “không có một cơ quan quản lý nào để ý xem và có ý kiến” mà là ngược lại nên mới có việc bẻ ca từ đi ấy chứ!
    Mà cũng là lỗi do ông Đoàn Chuẩn tên chuẩn mà viết không chuẩn thôi bác ạ, em thấy các nhạc sĩ bây giờ viết chuẩn hơn, đơn cử:
    Vậy là sao vậy là sao vậy là sao
    Một máy dành cho anh một máy cho người ta
    Để rồi em yêu hai người sao
    Vì quá yêu em nên anh nào nghĩ đến
    Sau lưng em đã dối lừa anh
    Một máy thì nhắn tin một máy thì nghe phone

    Đấy, thế đấy thì bố ai chen vào mà sửa đặng, hà hà!

  11. Chị dốt nhạc lắm sang hóng hớt thôi.

  12. Xuân năm nay, đường đêm Catinat
    Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
    Dần trắng xóa mặt đường
    Một người em gái nhớ người thương
    ———–
    Đoạn gốc này hay hơn hẳn đoạn ” chế” anh KuA nhỉ?
    đã có người nói rùi, nhưng tạm thời chưa biết nói gì thêm thì nói lại!hihihi

  13. Bài này em cũng thường nghe vì nhiều người sang bảo rằng nó rất hay 😀

  14. Và dù vì lý do gì, thì việc những bài hát, những đứa con tinh thần không chỉ của những người sinh ra chúng, trong khi phổ biến ra đại chúng vẫn hồn nhiên bị xuyên tạc, bóp méo do vô tình hay cố ý mà không có một cơ quan quản lý nào để ý xem và có ý kiến là một điều rất đáng tiếc, đáng phải suy nghĩ.

    ———-
    Em nghĩ những tâm hồn méo mó thì đương nhiên sẽ cho ra những tác phẩm méo mó theo ý họ thôi! đơn giản như là…không tròn thì méo!

  15. giờ lại trong sáng như hoa hồng, minh mẫn như thiên thần. em yêu bác kua!

  16. “Bài hát viết theo khúc thức ba đoạn A – B – A mà Cung Tiến…” anh Cua có thể giải thích thêm đoạn này được không ạ?
    Tài tử Ngọc Bảo hát bài này từ xưa chắc hay lắm. Em đã được nghe ông hát một lần bài “bóng ai qua thềm” mà không thể nào quên được cảm giác lúc đó. Khi ông bước ra sân khấu, em nghĩ sao già thế này rồi còn hát (lúc em được nghe ông hát khoảng năm 87-88), nhưng khi ông cất giọng hát lên thì thật tuyệt, mọi người như lặng đi… Giờ em tìm bài hát này trên mạng mà cũng không có. Thật tiếc

    Hôm nay qua đây đọc còm mới biết anh Cua có bí danh là Ku-A à? hi hi, đọc cái tên đó là lại nghĩ nghĩ ngợi ngợi…

    • Cái đoạn viết “Bài hát viết theo khúc thức ba đoạn A – B – A mà Cung Tiến…” là anh cóp về thôi Cún ạ, nhưng theo như anh hiểu thì bài hát theo khúc thức này gồm có 3 phần, 2 phần đầu có giai điệu khác nhau và phần thứ 3 lặp lại giai điệu của phần thứ nhất. Như ở bài hát này thì có thể thấy 2 khổ đầu (đoạn 1) và 2 khổ tiếp theo (đoạn 2) có giai điệu khác nhau, giống như A – B vậy, còn 2 khổ cuối lặp lại nền nhạc của đoạn 1. (Cái này Cún phải hỏi bác Em xi mới đúng chỗ 😀 )
      Còn về cái bí danh thì Cún đừng gợi đến nỗi đau của anh, nỗi đau này do Hà Linh gây ra đó 😀

  17. Nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh thì hay hết ý rồi , lãng mạn , nhẹ nhàng nhưng bay bổng .

  18. Này anh em ta cùng nhau xông pha …lên đàng…

  19. nói đi nói lại thì em nghĩ khổ dân mình, những bài hát hay, tác phẩm hay thì bị cắt lên, cắt xuống…còn ba thứ nhảm nhí thì được tung hô….tội nghiệp thế hệ trẻ…( Ai Em chưa già mô!)

  20. Sang chị du lịch miễn phí , thăm lâu đài Burg .

  21. Chị HL sang bên bác vtn xem ảnh….

  22. Bác Cua này, em vẫn cứ thấy tiếc cái avatar anh chàng kính cận thế nào ấy 😀

  23. Em ít tuổi, k dám múa rìu, quăng lựu đạn, nhưng góp thêm một ví về cái sự “chế lời” nữa các bác nè.
    Bài thơ nổi tiếng “màu tím hoa sim” của cố thi sĩ Hữu Loan có tới 2 nhạc sĩ phổ nhạc. Bài đầu tiên là “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh sáng tác thập niên 60, sau đó là bài “Áo em sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy.
    Nguyên bản bài “Áo em sứt chỉ đường tà” như sau:
    “Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi
    Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
    Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh…
    Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến”

    Nhưng ở miền Nam thì như thế này:
    “Nàng có ba người anh đi quân đội lâu rồi
    Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
    Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh…
    Tôi là người chiến binh xa gia đình đi chiến đấu”

    Link nè bác: http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ao-Anh-Sut-Chi-Duong-Ta-Tran-Thai-Hoa/IWZEZZ8W.html
    Có nhiều ví dụ lắm, khi nào nhớ ra em kể tiếp. 😀

  24. Fantastic goods from you, man. GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM | Cua đồng's Blog I’ve understand your stuff previous to and you’re just too magnificent. I actually like what you have acquired here, certainly like what you are saying and the way in which you say it. You make it entertaining and you still take care of to keep it wise. I can’t wait to read much more from you. This is really a great GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM | Cua đồng's Blog informations.

Gửi phản hồi cho em xinh Hủy trả lời